Vừa qua, buổi từ thiện của hơn 200 thợ xăm khắp mọi miền đất nước chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý từ cư dân mạng.
Những chàng trai xăm trổ thường mang cái nhìn kỳ thị thế nhưng tự tay khuân vác, mang quà đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến ai nấy không khỏi xúc động.
Theo đó, buổi từ thiện trên do anh Lê Dương Thanh (30 tuổi, ngụ TP.Tân An, Long An) tổ chức. Anh Thanh kể: Năm 19 tuổi, khi bắt đầu mở tiệm xăm, anh đã gặp không ít cái nhìn kỳ thị từ xung quanh. Thậm chí, chính gia đình cũng không ủng hộ, buộc anh phải đóng cửa tiệm.
Kể từ thời điểm ấy, Thanh đã nung nấu ước mơ là sẽ mỗi năm tổ chức một buổi từ thiện bằng chính tâm sức để giúp hình ảnh thợ xăm trở nên tốt hơn trong mắt người dân.
"Từ lúc 19 tuổi, mình đã chắt chiu từng đồng để ủng hộ 40-50 phần quà. Lúc nào cũng cố gắng từng chút một để đến nay hơn 10 năm thì chương trình ngày càng mở rộng", anh Thanh nói.
Người dân không khỏi vui mừng trước phần quà từ những người xăm trổ.
Vì là năm thứ 10 nên ban đầu anh Thanh quyết định lên tiếng kêu gọi các thợ xăm khác ở mọi miền cùng đồng hành. May mắn, cuối cùng đã có hơn 200 thợ xăm hưởng ứng, xăm miễn phí suốt 1 tuần lễ nhằm gây quỹ.
"Ngoài ra mình còn tổ chức đấu gia các bức tranh do những người thầy hoạ sĩ nổi tiếng vẽ, máy xăm, chai mực… toàn bộ số tiên sẽ bỏ vào quỹ chung. May mắn đã có được hơn 300 triệu đồng, tương đương 500 phần quà", anh Thanh nói.
Ban đầu, khi người dân thấy nhiều người xăm trổ kín mình, anh Thanh chia sẻ bản thân họ cũng rất sợ. Thế nhưng, đến khi chứng kiến tấm lòng tốt của thợ xăm, họ đã bắt đầu mở lòng.
"Thậm chí ở Vĩnh Hưng có rất nhiều trẻ em từ Campuchia về, tụi nó thường ban ngày bán vé số, bán đêm học lớp tình thương, chưa từng được ăn mặc đầy đủ. Khi nhận quà, chúng rất vui mừng. Hình ảnh ấy giúp tất cả thợ xăm cũng quên hết mệt nhọc", anh Thanh nói.
Câu chuyện truyền cảm hứng giúp người dân có cái nhìn thiện cảm hơn với thợ xăm.
Từ bỏ ngành Y để theo đuổi ước mơ xăm
Năm 18 tuổi, khi đang học ngành y thì Lê Dương Thanh đột ngột nghỉ ngang để theo đuổi đam mê xăm. Thời điểm đó, công việc xăm chưa thịnh hành nên anh chàng gặp không ít cái nhìn kỳ thị.
Không bỏ cuộc, chàng trai 9x ngày ngày lên Internet tự mày mò và bắt đầu tập xăm dạo để mưu sinh. Đến khi có chút tay nghề, Thành trở về quê nhà lập nghiệp thì lại vướng phải sự không chấp thuật của người thân và xóm giềng.
"Ngày khai trương, bạn bè khắp nơi về chúc mừng, mình bèn treo một tấm hình xăm trước cửa kiếng mới. Vậy là chòm xóm trong khu "không ưng", bàn ra tán vào khắp nơi. Ba mình liền chạy ra bảo: “Mày tháo tấm hình đó xuống hộ tao”, ông ấy luôn định kiến xăm hình thì chỉ có tội phạm trộm cắp cho công an để ý. Những câu nói ấy khiến mình đau đớn vô cùng…", Thanh nghẹn ngào kể.
Anh Thanh trong một giải thưởng lớn ở quốc tế.
Dẫu chịu nhiều vấp ngã, lời chửi bới… thế nhưng Thanh biết rõ ước mơ chảy trong máu của mình, chẳng có thứ gì có thể khuất phục. Để chứng minh năng lực, đầu năm 2015, anh chàng bắt đầu đăng ký tham gia các cuộc thi xăm trong và ngoài nước.
Sau hơn 10 năm chinh chiến, kinh qua nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế về xăm hình, Thanh đã đạt được 50 giải thưởng lớn nhỏ và trở thành thợ xăm có tiếng trong nghề.
Hạnh phúc khi những nỗ lực không ngừng của mình được đền đáp, Thanh nói: "Từ đó, mình biết để chứng minh xăm trổ vẫn là người tốt thì mới có thể thay đổi được cái nhìn của mọi người. Ban đầu mình kêu gọi anh em đi làm thiện nguyện bị soi mói dữ lắm. Có lần lên biên giới phát quà cho trẻ em nghèo, tụi nhỏ vừa thấy tụi mình xăm trổ đã kêu lên “ma, ma” rồi bỏ chạy tán loạn, còn giờ thì gặp mình đứa trẻ nào cũng ôm, đòi nhận quà…".
Anh Thanh mong mỏi sẽ duy trì hoạt động ý nghĩa này trong giới xăm.
Nói về ước mơ tương lai, Lê Dương Thanh mong mỏi mỗi năm sẽ có đủ kinh tế và sức lực để thực hiện các chuyến thiện nguyện như dự định. Đồng thời, anh còn dự tính sẽ tổ chức bếp ăn theo tháng để giúp đỡ bà con khó khăn, bệnh nhân ở các bệnh viện.
"Mình luôn nghĩ cho đi là còn mãi, vì vậy càng làm từ thiện nhiều mình lại càng nhận nhiều, ít nhất là những lời cảm ơn. Mình cũng sẽ làm gương cho học trò của mình để 10 học trò làm được 10 huyện, 100 học trò làm được 100 huyện thì con số này sẽ lớn biết bao nhiêu…", anh Thanh mỉm cười.
PV