Nguồn tin từ Vnexpress, 1 bệnh nhân đã mua 700 ml "filler châu Âu" với giá 100 triệu đồng, nhờ người quen (không phải bác sĩ hay nhân viên y tế) ở nhà tiêm vào mông với mong muốn vòng ba căng tròn và sexy, đầu năm ngoái. 9 tháng sau, chị mua tiêm thêm 400 ml loại tương tự, giá 100 triệu đồng.
Ba ngày sau, chị sốt cao, mông sưng phù, đau nhức dữ dội. Chịu đau 10 ngày, chị đến một trạm y tế nạo áp xe.
TP.HCM: Tự mua hơn 1 lít filler và nhờ người tiêm, vòng ba người phụ nữ bị hoại tử. Ảnh: Vnexpress
Vài tháng sau, khối áp xe tái phát, đau nhức, sưng to và không thể nằm ngủ ngửa. Chị đã đến một thẩm mỹ viện chữa trị và được tư vấn nạo hút áp xe kết hợp đặt túi độn mông tái tạo vòng ba với giá 70 triệu.
Chị đã chuyển khoản cho một "bác sĩ" 70 triệu đồng, sau nhiều lần hối thúc được hẹn đến phòng khám để rạch ba đường mổ dài 15 cm ở hai bên mông nạo hút dịch mủ, không được đặt túi mông như đã cam kết. Khối áp xe vẫn đau nhức, chị uống kháng sinh, vẫn chảy dịch hôi thối.
Sau đó, "bác sĩ" chặn tin nhắn nên chị đến bệnh viện thẩm mỹ khám.
Ngày 23/7, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW, chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận viêm nhiễm cả hai bên mông bệnh nhân khu trú và xâm lấn xung quanh.
Chị đã nạo áp xe hai lần nhưng filler đã len lỏi sâu vào các mô cơ ở khắp nơi, bên trong mông vẫn còn tàn dư gây sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó vẫn còn rò rỉ dịch mủ.
Bác sĩ chỉ định mổ tránh để filler tiếp tục lan rộng hay tắc nghẽn mạch máu, khiến tình trạng tồi tệ hơn. Ca mổ gặp nhiều thách thức vì chất làm đầy đã khu trú khắp nơi trong mông, tạo thành cấu trúc tổ ong cực kỳ khó nạo hút, ăn đến tận xương đùi và xương cùng cụt, máu và dịch mủ tuôn trào ào ạt. Ê kíp phải xử lý cẩn trọng từng khu vực để nạo hút toàn bộ khối áp xe.
Sau ba giờ phẫu thuật, ê kíp hút gần một lít gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bác sĩ tiếp tục điều trị tích cực bằng kháng sinh mạch, đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 7-10 ngày mới hy vọng giải quyết tình trạng áp xe triệt để.
Thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc liên quan đến tiêm filler làm đẹp tại những có sở không đảm bảo chất lượng hoặc nghe theo lời quảng cáo trên mạng. Thực tế, sau khi thực hiện xong, các trường hợp này đều gặp biến chứng và phải tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Cụ thể, báo Người lao động dẫn lời bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngưc và khó chịu. Qua kiểm tra, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng ngực nặng sau khi tiêm filler (chất làm đầy), tạo bơ xơ dày trong ngực và mô viêm tăng liên tục.
Biến dạng vì nâng ngực theo quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Người lao động
Được biết, nữ bệnh nhân này tình cờ xem trên Facebook bài quảng cáo spa nên nhắn tin tìm hiểu và được spa này tư vấn làm ngực. Lúc này bà vừa từ nước ngoài về Việt Nam xử lý việc gia đình.
Trước khi tiêm filler ngực, bà đã tiêm filler mông với giá 159 triệu đồng tại cơ sở làm đẹp này. Bà cũng nói với cơ sở làm đẹp rằng, mình bị tiểu đường nhưng họ vẫn tiến hành tiêm bình thường và bảo không ảnh hưởng.
Đến ngày 20/5, bà tiếp tục chi 60 triệu đồng để tiêm filler nâng ngực tại đây. Sau 4-5 ngày, phát hiện chỗ tiêm sưng đỏ, nóng sốt, người phụ nữ tiếp tục quay lại spa điều trị và tiến hành hút dịch liên tục.
Sau đó, ngực sưng to hơn và không có dấu hiệu cải thiện. Nhiều chấm đỏ và mức độ đau tăng dần nên bà mới đến khám tại Bệnh viên Trưng Vương.
Cũng theo thông tin từ Người lao động, sau khi chẩn đoán, bác sĩ Đông cùng ê-kíp tại đây đã tiến hành mổ tháo hết dịch mủ và filler trong ngực nữ bệnh nhân ra. Đến lần mổ thứ 2, bác sĩ bóc hết bao xơ bởi nếu để sẽ bị tiết dịch và vết thương không lành được.
Theo bác sĩ Đông, bệnh nhân này may mắn vào bệnh viện ở giai đoạn sớm nên biến chứng xử lý không quá phức tạp. Sau đó, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện nhưng phải tái khám để theo dõi.
Nguyễn Linh (T/h)