Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chàng bác sĩ trẻ sẵn sàng hiến toàn bộ tạng sau khi ra đi và câu chuyện người mẹ đã lên "thiên đường"

(DS&PL) -

Tùng- bác sĩ trẻ vừa đăng ký hiến tạng sau khi ra đi, nghẹn ngào chia sẻ “Tôi cảm thấy như mẹ vẫn đang dõi theo, giống như mẹ vẫn đang còn sống vậy”.

Tùng- bác sĩ trẻ vừa đăng ký hiến tạng sau khi ra đi, nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi cảm thấy như mẹ vẫn đang dõi theo, giống như mẹ vẫn đang còn sống vậy”.

Một ngày cuối tháng 8/2016, thông tin về sự ra đi của bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa khiến bạn bè, đồng nghiệp tại bệnh viện 19/8- Bộ Công an không khỏi đau xót. Bà đã ra đi, để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho những người ở lại nhưng với nghĩa cử cao đẹp: hiến tạng giác mạc, mô duy nhất còn lại chưa bị căn bệnh ung thư xâm chiếm, bà đã cứu giúp những mảnh đời bất hạnh có cơ hội tìm lại được ánh sáng.

Ngày qua đời, nữ bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa nằm đó với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc thưa đi nhiều vì những lần xạ trị. Đứng bên cạnh bà, những người thân gia đình, những bạn bè, đồng nghiệp dâng lên niềm xúc động khó tả thành lời. Trong thời khắc thiêng liêng đó, tất cả đều nghiêng mình trước người bác sĩ, chiến sĩ công an – Trưởng khoa Mắt bệnh viện 19/8 – Bộ Công an.

Nữ bác sĩ, đại tá quá cố Vũ Thị Thoa

Trước ngày ra đi, bà có một di nguyện cuối cùng là được hiến tạng cho y học, nhưng những cơn đau hành hạ cùng thời gian dài điều trị hóa chất chữa ung thu khiến bà chỉ còn lại duy nhất một bộ phận có thể hiến tạng, đó là giác mạc. Di nguyện của bà đã được những người thân gia đình cùng tập thể y bác sĩ bệnh viện hết lòng trân trọng, ủng hộ.

Ngay trong chiều ngày bác sĩ Vũ Thị Thoa qua đời, cán bộ y tế Ngân hàng Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện lấy, bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Có lẽ, bà sẽ mỉm cười nơi chin suối khi biết rằng, bà đã trở thành nữ bác sĩ đầu tiên hiến giác mạc và đã cứu giúp, đem lại ánh sáng cho các bệnh nhân.

Tiếp bước nghĩa cử cao đẹp

Sau hơn một năm ngày mất của bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa, con trai của bà là anh Hoàng Thanh Tùng quyết định theo bước mẹ đăng ký hiến mô tạng với suy nghĩ: “Sinh ra lành lặn không bị bệnh tật đã là một cái sự ưu ái của tạo hóa, việc hiến mô tạng như một cách Tùng cảm tạ với cuộc đời…”

Anh Hoàng Thanh Tùng - con trai nữ bác sĩ, đại tá quá cố Vũ Thị Thoa


Trò chuyện với Tùng, anh chàng vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú (chuyên khoa Mắt của bệnh viện Mắt Trung ương), càng thấy sự trưởng thành trong lối suy nghĩ, cách sống của một chàng trai 9x.

Đôi mắt buồn, nhưng miệng luôn mỉm cười, Tùng chia sẻ về lý do quyết định hiến toàn bộ tạng của mình (sau khi chết): “Dự định Tùng đã có lâu rồi, nhưng bây giờ mới là thời điểm thích hợp để Tùng đăng ký hiến mô tạng. Tùng làm vì lý do đơn giản thôi, mỗi con người được sinh ra được lành lặn đã là một may mắn rồi, Tùng muốn làm điều gì đó có ích để cảm tạ cuộc đời. Cũng còn lý do nữa, đó là nối tiếp di nguyện của mẹ, mẹ đã hiến giác mạc và giúp được các bệnh nhân tìm lại được ánh sáng.

Tùng cũng muốn chia sẻ rằng, việc hiến mô tạng có thể làm thay đổi được quan niệm xưa “chết toàn thây mới được siêu thoát”. Quan niệm này có lẽ đã lỗi thời bởi chưa có một tôn giáo nào trên thế giới cấm hay không ủng hộ chuyện hiến mô tạng, tất cả các tôn giáo mình được biết từ đạo phật cho đến thiên chúa giáo đều rất ủng hộ việc làm này”.

“Cảm thấy mẹ như vẫn đang còn sống”

Những câu chuyện của Tùng khiến người ngồi đối diện thấy như đang trò chuyện với một người từng trải đời. Cũng đúng thôi, được sống bên cạnh một người phụ nữ như bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa – một người phụ nữ thật thà, nhân hậu, luôn sống nhẹ nhàng và truyền được cảm hứng cho những người bên cạnh thì có kinh nghiệm sống, sự trải đời âu là điều dễ hiểu.

Chàng bác sĩ nội trú nghẹn lại khi chia sẻ về mẹ

Tiếp tục câu chuyện đầy hào hứng, anh chàng bác sĩ trẻ bỗng nghẹn lại khi cho chúng tôi xem về đôi mắt của bệnh nhân được bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa hiến giác mạc.

“Đôi mắt to, sáng lắm. Bệnh nhân này trước đó sống cả đời với đôi mắt mù mờ, sau khi được mẹ Tùng hiến tặng đã có nhìn thấy mọi thứ. Có thể nói, việc có một đôi mắt mới giống như được sinh ra lần thư hai với bệnh nhân này vậy.

Và nhìn thấy đôi mắt sáng đó, Tùng cũng có cảm giác như mẹ vẫn còn sống, đang dõi theo bố và anh em Tùng vậy. Điều này khiến Tùng rất hạnh phúc”.

Trở lại thời điểm trước lúc bác sĩ Vũ Thị Thoa qua đời, dù đau đớn nhưng bà không một lời than vãn, luôn nở nụ cười lạc quan với gia đình và các đồng nghiệp, cũng như luôn canh cánh trách nhiệm của một người thầy thuốc. Tâm nguyện của bà đã được thực hiện, hai con người không hề quen biết nay đã nhìn thấy ánh sáng. Đó là điều đẹp nhất mà bác sĩ Vũ Thị Thoa đã hoàn thành trước lúc lâm chung.

Tùng sẽ hiến toàn bộ mô tạng cho y học

“Tôi tin rằng khi biết quyết định của tôi mọi người sẽ ủng hộ giống như đã ủng hộ ý nguyện hiến giác mạc của mẹ tôi trước kia. Tôi cũng tin rằng, ở trên cao, mẹ tôi đang vui mừng vì tôi đã làm được một việc có ích cho đời”, chàng bác sĩ nội trú mỉm cười cho biết.

Sự hồi sinh của những cuộc đời mới, của những tương lai đang được mong chờ, bắt đầu từ chính nhận thức và nghĩa cử cao đẹp của mỗi người, những người như Tùng.

Hoàng Giang

Tin nổi bật