Theo báo Tuổi Trẻ, hôm 31/3, tiền đạo Bùi Vĩ Hào đã được bác sĩ của CLB B.Bình Dương đưa đi chụp MRI tại TP.HCM, để xác định mức độ chấn thương gặp phải trong buổi tập chuẩn bị cho tứ kết Cúp quốc gia 2024-2025.
Theo chẩn đoán ban đầu từ kết quả chụp MRI, Bùi Vĩ Hào được xác định bị đứt dây chằng cổ chân phải. Phẫu thuật là cần thiết. Với chấn thương này, chân sút đang khoác áo đội tuyển Việt Nam và U22 phải mất từ 6 đến 8 tháng mới có thể hồi phục.
Bùi Vĩ Hào là cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Tuổi Trẻ
Điều này đồng nghĩa Bùi Vĩ Hào phải nghỉ thi đấu phần còn lại của mùa giải 2024-2025 với CLB B.Bình Dương. Không chỉ vậy, anh còn không thể khoác áo đội tuyển Việt Nam thi đấu với Malaysia ở lượt trận thứ hai bảng F vòng loại cuối Asian Cup 2027 vào ngày 10/6 tới.
Thậm chí Bùi Vĩ Hào cũng khó có thể khoác áo đội tuyển U22 Việt Nam tham dự vòng loại Giải U23 châu Á 2026 vào tháng 9, cũng như SEA Games 33 vào cuối năm.
Kết quả chẩn đoán mới nhất cho thấy chấn thương của Bùi Vĩ Hào rất nặng. Cụ thể, tiền đạo 22 tuổi này không chỉ bị đứt dây chằng delta (cổ chân) mà còn bị nứt xương mác.
Đây là chấn thương còn nặng hơn cả chấn thương gãy chân của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son gặp phải ở ASEAN Cup 2024 vừa qua.
Bác sĩ Trương Công Dũng - người từng đồng hành cùng đội tuyển U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc - phân tích: “Xuân Son chỉ bị gãy xương ống, không liên quan gì đến khớp, cũng không đứt dây chằng. Còn Vĩ Hào vừa bị nứt xương đi ngang qua khớp, lại còn đứt dây chằng delta nữa. Vì vậy, chấn thương của Vĩ Hào nặng hơn Xuân Son nhiều”.
Theo kế hoạch, Bùi Vĩ Hào sẽ được phẫu thuật tại Bệnh viện Nam Sài Gòn vào ngày 3/4 tới. Ca mổ sẽ do chính bác sĩ Trương Công Dũng đảm nhận và dự kiến mất 2-3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành.
Tạp chí Tri Thức dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ca phẫu thuật có thành công thì quá trình hồi phục của Vĩ Hào vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Do cổ chân là bộ phận thấp nhất cơ thể, khi vận động, đi đứng, máu dễ dồn xuống khu vực này, gây sưng tái phát nhiều lần và làm chậm quá trình hồi phục. Điều này khiến nam cầu thủ không thể vận động sớm như các loại chấn thương khác. Nếu đứng dậy hoặc tập luyện quá sớm, tình trạng sưng đau có thể gia tăng, buộc cầu thủ phải kéo dài thời gian tịnh dưỡng.
Vĩ Hào có thể phải mất thời gian dài để hồi phục hậu chấn thương. Ảnh: Tạp chí Tri Thức.
Ngoài ra, xương sên – bộ phận quan trọng giúp chịu lực khi con người đứng, đi lại và nhảy – cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Khi xuất hiện vết nứt hoặc tổn thương tại đây, dù đã qua phẫu thuật, bệnh nhân vẫn dễ cảm thấy đau nhói khi vận động mạnh, đặc biệt là trong các động tác đặc trưng của bóng đá như bật nhảy, rê bóng hay trụ để sút.
Nặng nề nhất, việc tập phục hồi chức năng không đúng cách hoặc quay lại tập luyện khi cổ chân chưa đủ vững có thể làm tăng nguy cơ tái chấn thương, kéo dài thêm thời gian điều trị. Với mức độ tổn thương như trên, bác sĩ Vũ nhận định Vĩ Hào cần ít nhất một năm để có thể trở lại sân cỏ.