Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bổ nhiệm một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, 24 tuổi vào vị trí Phó chánh Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia.
Hồi tháng 5/2016, Taylor Weyeneth là sinh viên đại học tại Đại học St. John ở New York, một sinh viên nghiên cứu về pháp luật. Weyeneth cũng đồng thời là thành viên từng tham gia tổ chức một cuộc thi đấu golf cũng như các sự kiện khác để gây quỹ cho cựu chiến binh và gia đình họ.
Chưa đầy một năm sau, ở tuổi 24, Taylor Weyeneth đã được bổ nhiệm chính trị và hiện đang là Phó chánh Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia (ONDCP) – cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các sáng kiến chống ma túy trị giá hàng tỷ USD của chính phủ liên bang và hỗ trợ nỗ lực của Tổng thống Trump để giải quyết khủng hoảng thuốc giảm đau opioid.
Phó chánh Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia Taylor Weyeneth được kỳ vọng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau ở Mỹ. Ảnh: Getty |
Theo Washington Post, những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong văn phòng trước đây do một luật sư và một quan chức kỳ cựu của chính phủ đảm nhiệm. Kinh nghiệm chuyên môn duy nhất của Weyeneth sau khi tốt nghiệp đại học và trước khi trở thành một người được bổ nhiệm là làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Trump.
Việc Weyeneth leo lên từ một vị trí thấp cấp đa phần là kết quả của việc thiếu nhân sự chủ chốt trong cơ quan này. Ông Trump đã cam kết sắp xếp các tài năng và nguồn lực của chính phủ liên bang để giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid. Tuy nhiên, ONDCP vẫn còn thiếu một giám đốc thường trực. Ít nhất 7 trong số những người được bổ nhiệm hành chính đã ra đi, phát ngôn viên của văn phòng, ông William Eason cho biết.
Taylor Weyeneth hiện không chấp nhận trả lời phỏng vấn.
Sau khi Washington Post bày tỏ mong muốn trao đổi về bằng cấp của Weyeneth, và về những mâu thuẫn trong bản lý lịch, một quan chức chính quyền cho biết Weyeneth ban đầu được nhận vào như một nhân viên hành chính, phụ trách liên lạc cho ONDCP chứ không phải đưa ra các quyết định chính sách.
Taylor Weyeneth trở thành trợ lý trong chính quyền Tổng thống Trump khi mới 24 tuổi. Ảnh: Getty |
Văn phòng đã quyết định bổ nhiệm Weyeneth "sau khi nhìn thấy niềm đam mê và cam kết về vấn đề thuốc giảm đau opioid cũng như ma túy", một quan chức cho biết. Mẹ của Weyeneth tiết lộ con mình bị ảnh hưởng bởi cái chết của một người thân cách đây vài năm vì dùng ma túy quá liều.
Khi còn học trung học, Weyeneth là "Giám đốc sản xuất" của Nature's Chemistry, một công ty gia đình ở Skaneateles, New York, chuyên sản xuất hạt giống và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ khác. Một bản lý lịch cho biết Weyeneth đã từng làm công việc đó từ năm 2008 đến năm 2013.
Vào mùa hè và mùa thu năm 2011, công ty này đã bí mật chế biến các loại steroid bất hợp pháp từ Trung Quốc. Bố của Weyeneth là Matthew Greacen đã nhận tội với cáo buộc âm mưu gian lận và nhận mức án 2 năm quản chế cũng như bị phạt tiền.
Weyeneth hiện đang tham gia khóa học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Chính trị, chuyên về quản trị chiến dịch và bầu cử tại trường đại học Fordham (New York).
Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia đã được Quốc hội mở ra từ năm 1988 với sự thông qua Đạo luật Chống Lạm dụng Ma túy. Một phần của văn phòng được điều hành bởi Nhà Trắng trong khi giám đốc ONDCP thường được coi là cố vấn chính của Tổng thống về các vấn đề liên quan đến ma túy bất hợp pháp, bao gồm sản xuất, buôn lậu và nghiện ngập.
Ngoài trách nhiệm điều phối các chương trình ma túy tại các cơ quan liên bang khác, ONDCP được cho là sản xuất Chiến lược Kiểm soát Ma túy Quốc gia, kế hoạch hàng năm cho chính sách ma túy. Văn phòng cũng quản lý tài trợ cho các chương trình thực thi pháp luật và các chương trình cộng đồng không ma túy.
Đối với năm ngân sách bắt đầu vào tháng 10/2017, Nhà Trắng đã chi 18,4 triệu USD cho 65 nhân viên tại ONDCP.
Gil Kerlikowske, cựu cảnh sát trưởng Seattle, điều hành văn phòng trong thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, và là cựu ủy viên của Cơ quan Bảo vệ Biên giới cho biết việc bổ nhiệm Weyeneth là "một thông điệp rằng chính phủ hiện nay không xem xét vấn nạn ma túy một cách nghiêm túc".
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Washington Post)