Ngày 16/9, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FPT (MCK: FPT, sàn HoSE) Trương Gia Bình đã công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
Theo ông Trương Gia Bình, dịch COVID-19 khiến hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.
Vì vậy, FPT sẽ nhận 1.000 trẻ mất cha, mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng.
“Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học”, Chủ tịch FPT khẳng định.
Người đứng đầu FPT cho biết, trước mắt, trường sẽ mở tại FPT City Đà Nẵng, nơi có thể nuôi dưỡng, đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học.
Được biết, trường học sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân, giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Ông Trương Gia Bình được mệnh danh là “linh hồn”, "thuyền trưởng" của FPT, dẫn dắt tập đoàn công nghệ này đi từ con số 0 đạt được thành tựu của hiện tại.
Được biết, sau nhiều năm học tập và nghiên cứu khoa học, năm 1988, ông Bình đã đưa ra quyết định rẽ hướng sang kinh doanh.
Ông cùng với các kỹ sư và nhà khoa học khác thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm- tiền thân ban đầu của tập đoàn FPT, kinh doanh mảng thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam.
Đến năm 1995, nhìn nhận lại tiềm năng phát triển của lĩnh vực tin học, ông Bình đã quyết định chuyển hướng đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ – viễn thông.
Năm 2002, công ty của ông đã chính thức đổi tên thành Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Để tập trung phát triển Công nghệ, FPT rút dần ở mảng thương mại chứ không kết hợp cả hai như thời gian ban đầu.
Từ năm 1988 đến 2002, ông Bình là Giám đốc Công ty FPT, sau đó, chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, ông vẫn giữ chức vị Chủ tịch HĐQT, là vị thuyền trưởng dẫn đầu đưa ra các quyết sách chính, quyết định phương hướng phát triển cho tập đoàn.
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, FPT báo lãi hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó, khối công nghệ đóng góp 56% doanh thu, khối viễn thông chiếm 39%, khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, FPT vẫn đạt được sự phát triển ổn định.
Theo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm mà FPT mới công bố, doanh nghiệp của ông Trương Gia Bình đạt doanh thu 21.842 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,2% và 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.629 tỷ đồng và 2.904 đồng, tăng 17,0% và 16,4%.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, doanh thu ký mới của mảng Công nghệ đạt 16.095 tỷ đồng, tăng trưởng 38,2%. Trong đó, doanh thu ký mới của thị trường nước ngoài ở mức 11.930 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, ông Trương Gia Bình nắm giữ gần 55,5 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ 6,11%.
Chốt phiên 16/9, cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 94.700 đồng/cp. Tạm tính theo thị giá này, tài sản của vị "thuyền trưởng" FPT trên thị trường chứng khoán (chỉ tính theo lượng cổ phiếu FPT mà ông Bình sở hữu) ở mức hơn 5.251 tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)