Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chân dung 7 vị lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc

(DS&PL) -

Hôm nay (25/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 19 đã công bố danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Hôm nay (25/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 19 đã công bố danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất nước này.

Danh sách lãnh đạo mới của Trung Quốc đã được công bố hôm nay (25/10). Các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị, theo thứ tự cấp bậc, là ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường, ông Uông Dương, ông Lật Chiến Thư, ông Vương Hộ Ninh, ông Triệu Lạc Tế và ông Hàn Chính.

Trong số 7 vị lãnh đạo mới của Trung Quốc, chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường là những người được bầu từ khóa 17, còn lại 5 người khác đều là người mới được bầu, thay thế cho những quan chức đã đến tuổi về hưu.

Lễ ra mắt của các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19 tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: NYTimes

Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội phát triển toàn diện, đẩy mạnh xây dựng xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Dưới đây là tiểu sử 7 vị lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay:

Chủ tịch Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Getty

Ông Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953, là con trai của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Ông Tập trở thành Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc từ năm 2012 và thành Chủ tịch nước từ năm 2013. Ông là ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ tháng 10/2007.

Năm 1975, ông theo học Đại học Thanh Hoa và có bằng kỹ sư hóa chất, tiếp theo là Tiến sĩ Luật. Ông từng có hơn một thập niên đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Đảng ở các địa phương.

Thủ tướng Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường. Ảnh: Getty

Ông Lý Khắc Cường sinh ngày 1/7/1955 tại Định Viễn, An Huy. Xuất thân là lao động chân tay ở nông thôn, ông Lý tiến nhanh lên vị trí Bí thư Tỉnh ủy. Ông bắt đầu làm việc trong chính quyền với vai trò viên chức từ tháng 3 năm 1974. Ông đã tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế học Học viện Kinh tế Đại học Bắc Kinh, Nghiên cứu sinh tại chức và là Tiến sĩ kinh tế học.

Ông Lý có thế mạnh về phát triển kinh tế, kiểm soát giá, tài chính, biến đổi khí hậu và quản lý kinh tế vĩ mô. Trước khi được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007, ông từng giữ chức Chủ tịch tỉnh Hà Nam. Ông được cho là có mối quan hệ thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tháng 3/2013, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Ông Lật Chiến Thư

Ông Lật Chiến Thư. Ảnh: Getty

Ông Lật Chiến Thư sinh năm 1950, là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trợ lý cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong các vấn đề từ ngoại giao, kinh tế và cải cách tư pháp.

Ông cũng là người thường xuất hiện bên cạnh ông Tập trong các chuyến công du cấp nhà nước và các sự kiện quan trọng khác. Ngoài ra, ông Lật còn là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia do ông Tập sáng lập.

Ông Uông Dương

Ông Uông Dương. Ảnh: SCMP

Ông Uông Dương sinh năm 1955, là Phó Thủ tướng Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề thương mại. Ông có tư tưởng cải cách kinh tế theo hướng khuyến khích lĩnh vực tư nhân và chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp nặng sang nền kinh tế lấy tiêu thụ và cải tiến làm cơ sở.

Ông Uông từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh trong những 2005 - 2007 và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông từ năm 2007 – 2012. Cùng với ông Lý Khắc Cường, ông Uông cũng được cho là có mối quan hệ thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Ông Vương Hộ Ninh

Ông Vương Hộ Ninh. Ảnh: Getty

Ông Vương Hộ Ninh sinh năm 1955, là Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc từ năm 2002, là một quan chức cấp cao thân cận và luôn ủng hộ tư tưởng điều hành của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông cũng từng là cố vấn chính trị cho hai cựu lãnh đạo trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, tháp tùng họ trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Dưới thời ông Tập Cận Bình, ông Vương cũng thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những sự kiện quan trọng, cùng với ông Lật Chiến Thư và ông Dương Khiết Trì.

Ông Triệu Lạc Tế

Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Getty

Ông Triệu Lạc Tế sinh năm 1957, là Bí thư tỉnh Thiểm Tây từ năm 2007-2012. Sau đó, ông được bầu vào Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động bổ nhiệm. Sau Đại hội đảng lần thứ 19, ông sẽ thay thế ông Vương Kỳ Sơn trở thành Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Hàn Chính

Ông Hàn Chính. Ảnh: SCMP

Ông Hàn Chính sinh năm 1954, là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và là ủy viên Bộ Chính trị. Ông từng giữ chức Thị trưởng Thượng Hải từ năm 2003 - 2012. Ông là người có tư tưởng khích lệ doanh nghiệp và được cho là góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế ở thành phố Thượng Hải.

Các ủy viên khác của Bộ Chính trị Trung Quốc bao gồm 18: Đinh Tiết Tường, Vương Thần, Lưu Hạc, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Lý Hy, Lý Cường, Lý Hồng Trung, Dương Khiết Trì, Dương Hiểu Độ, Trương Hựu Hiệp, Trần Hy, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Hồ Xuân Hoa, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh và Thái Kỳ.

Danh sách các gương mặt mới nhấn mạnh mong muốn của ông Tập đối với sự phát triển liên tục và xây dựng bộ máy lãnh đạo đồng thuận, chuẩn bị cơ sở cho những thay đổi lớn hơn trong tương lai.

Ông Tập bày tỏ mong muốn biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vào năm 2050 và nêu bật nguyện vọng của ông trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua những thách thức của một thế giới đầy bất trắc. Cũng trong bài phát biểu hôm nay nhân dịp tái đắc cử, ông Tập một lần nữa tuyên bố rằng sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới, điều này sẽ làm cho đất nước trở thành một quốc gia lớn mạnh, hòa bình và ổn định.

Cuối cùng, ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, giữ vững luật pháp quốc tế cũng như kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

(Theo SCMP)

Tin nổi bật