Trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam, sự xuất hiện của những nữ lãnh đạo tài năng và bản lĩnh đang vẽ nên những gam màu mới đầy ấn tượng.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cô học trò chuyên Amsterdam Lê Mai Lan sớm bộc lộ tài năng khi xuất sắc giành học bổng DAAD danh giá của chính phủ Đức. Con đường học vấn của bà được ghi dấu bằng tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Berlin (Đức) và sau đó là bằng Tiến sĩ Quản lý Giáo dục tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam.
Trước khi bén duyên với Vingroup, TS. Lê Mai Lan đã là một chuyên gia tài chính sắc sảo với bề dày kinh nghiệm đáng nể. Bà từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc Kinh doanh tại Ngân hàng ABN Amro, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), và Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn Nghiệp vụ Ngân hàng (2005-2013). Bà cũng có thời gian đứng trên bục giảng với vai trò giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm tháng đó đã hun đúc nên một nhà lãnh đạo bản lĩnh, quyết đoán và luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách.
Năm 2013, TS. Lê Mai Lan bước vào một hành trình mới khi gia nhập Vingroup và nhận nhiệm vụ "khai sinh" hệ thống giáo dục Vinschool. Từ một ý tưởng trên giấy, chỉ sau 6 năm, Vinschool đã vươn mình mạnh mẽ trở thành hệ thống trường K-12 lớn nhất Việt Nam với 54 cơ sở tại các thành phố lớn, đào tạo gần 49.200 học sinh theo tiêu chuẩn quốc tế.
TS. Lê Mai Lan
Không dừng lại ở đó, năm 2016, bà tiếp tục gánh vác một trọng trách lớn hơn, dẫn dắt dự án thành lập Đại học VinUni – một ngôi trường được kỳ vọng sẽ đạt đẳng cấp quốc tế, được công nhận và xếp hạng toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam.
Với xác định phải đi nhanh và đúng hướng bằng cách "đứng trên vai những người khổng lồ", mùa đông năm đó, TS. Lê Mai Lan cùng các cộng sự đã thực hiện một hành trình không mệt mỏi qua các tiểu bang của Mỹ để "gõ cửa" những trường đại học danh tiếng thuộc nhóm Ivy League. Hành trang của đoàn công tác khi ấy chỉ vỏn vẹn một video giới thiệu về Vingroup, một lá thư từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và một trang A4 tóm tắt khát vọng xây dựng một đại học xuất sắc cho Việt Nam.
Dù được hậu thuẫn bởi một tập đoàn lớn, hành trình thuyết phục không hề dễ dàng. Những cái lắc đầu liên tiếp là câu trả lời mà đoàn nhận được. Nhưng với niềm tin mãnh liệt "cứ gõ, cửa sẽ mở", cuối cùng những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Năm 2018, VinUni đã đặt bút ký kết hợp tác chiến lược với hai "người khổng lồ" là Đại học Pennsylvania và Đại học Cornell.
Tháng 12/2019, VinUni chính thức nhận quyết định thành lập từ Thủ tướng Chính phủ. Chỉ sau 14 tháng thi công thần tốc trên cánh đồng làng Đa Tốn (Hà Nội), một ngôi trường mang kiến trúc châu Âu tráng lệ đã thành hình và long trọng đón lễ khai giảng đầu tiên vào tháng 10/2020.
Trường Đại học VinUni.
Bắt đầu từ con số không, TS. Lê Mai Lan cùng đội ngũ của mình đã viết nên một câu chuyện "rất có" – có tầm nhìn, có khát vọng và có những chứng nhận quốc tế rõ ràng.
Ba thập kỷ trước, cánh cổng Trưởng Đại học Ngoại thương đã mở ra cho cô sinh viên Phạm Thu Hương sự tự tin và khát vọng khám phá thế giới. Tấm bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại cùng hai năm kinh nghiệm trợ giảng tại khoa Quản trị Kinh doanh đã trở thành bệ phóng để cô giành học bổng Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Aarhus, một trong những đại học hàng đầu Đan Mạch.
Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, coi Ngoại thương là "nhà", cô đã quyết định trở về để tiếp tục cống hiến. Cô hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngay tại ngôi trường mình công tác và được phong hàm Phó giáo sư vào năm 2020.
PGS.TS Phạm Thu Hương
Trong suốt hai thập kỷ, PGS.TS Phạm Thu Hương đã kinh qua nhiều vị trí chủ chốt, từ giảng viên, Trưởng bộ môn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho đến Phó Hiệu trưởng. Dấu ấn của bà là việc khởi xướng mô hình đào tạo gắn liền với phát triển nghề nghiệp cho sinh viên và triệt để áp dụng mô hình "campus in campus" (học xá trong học xá) nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ hợp tác doanh nghiệp và quốc tế.
Ngày 2/7/2025, PGS.TS Phạm Thu Hương chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, trở thành nữ Hiệu trưởng thứ hai của trường sau 20 năm. Khát vọng khám phá thế giới của cô sinh viên năm nào giờ đây đã hóa thành khát vọng lớn lao hơn, đưa Trường Đại học Ngoại thương lọt vào hàng ngũ những trường đại học hàng đầu châu Á.
Đây là một mục tiêu đầy thử thách, bởi dù được xem là trường kinh tế hàng đầu Việt Nam, Ngoại thương vẫn chưa có tên trong các bảng xếp hạng học thuật quốc tế danh tiếng. Tuy nhiên, thử thách luôn đi cùng cơ hội. Như câu nói trong lá thư bà gửi các sĩ tử ba năm trước: "Một vùng biển lặng không tạo ra được thủy thủ giỏi".
Trường Đại học Ngoại thương
Với niềm tin vào những giá trị riêng và thành quả đã đạt được, tân Hiệu trưởng khẳng định: "Tư duy 'không có gì là không thể' và phương châm 'khác biệt để dẫn đầu' đã thấm nhuần vào chiến lược và hành động của nhà trường. Chúng tôi đã học được cách vượt qua chính mình và dám dấn thân cho những thử thách mới."
Giáo dục khai phóng (Liberal Arts) vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Khác với mô hình đào tạo chuyên ngành truyền thống, giáo dục khai phóng trang bị cho người học một nền tảng kiến thức liên ngành sâu rộng cùng những kỹ năng linh hoạt, mở ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Trong hơn 200 trường đại học tại Việt Nam, Fulbright là một trong số ít những trường tiên phong theo đuổi mô hình này.
Mới đây, Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm TS. Đinh Vũ Trang Ngân vào vị trí Hiệu trưởng từ ngày 10/7/2025. Trước đó, bà giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách Công tác Sinh viên của trường.
TS. Đinh Vũ Trang Ngân
Sinh ra tại Hà Nội, TS.Trang Ngân là cựu sinh viên của những ngôi trường danh giá như Đại học Bates, Đại học Chicago (Mỹ) và Đại học Cambridge (Anh). Bà từng giảng dạy Kinh tế học tại Đại học Bates trước khi trở về nước và gia nhập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright vào năm 2008 – tiền thân của Đại học Fulbright Việt Nam ngày nay.
Kể từ khi trường thành lập vào năm 2016, TS. Trang Ngân đã đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo và phát triển chương trình cử nhân theo mô hình giáo dục khai phóng. Bà xúc động chia sẻ: "Cơ hội học tập tại Hoa Kỳ đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã dành trọn sự nghiệp để góp phần tạo ra những cơ hội giáo dục mang tính đột phá ngay tại Việt Nam, giúp sinh viên có được kiến thức và kỹ năng để phát triển trong một thế giới nhiều biến động."
Khuôn viên Đại học Fulbright Việt Nam
Tân Hiệu trưởng 8X nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của bà là đảm bảo các chương trình học thuật trọng điểm của trường có đủ nguồn lực để phát triển và mở rộng. Bà cũng chỉ ra rằng, việc thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Fulbright gần đây là minh chứng cho nỗ lực đón đầu tương lai của nhà trường.
"Cuộc cách mạng Trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra mạnh mẽ. Fulbright có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả sinh viên đều được trang bị sẵn sàng để thành công trong một thế giới mà AI tác động đến mọi khía cạnh. Tôi mong muốn thúc đẩy việc mở rộng các chương trình học liên quan đến AI tại trường," TS.Ngân khẳng định tầm nhìn chiến lược của mình.