Đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ. Hệ quả là vùng não đó không còn được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để có thể duy trì hoạt động và tồn tại. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời, vùng não bị ảnh hưởng có thể bị “chết” hoàn toàn, và không thể khôi phục chức năng bình thường như trước.
Nếu đột quỵ không được phát hiện và chữa trị sớm, vùng não bị ảnh hưởng có thể bị “chết” hoàn toàn, và không thể khôi phục chức năng bình thường như trước. Ảnh minh họa.
Theo báo Tuổi Trẻ, những người có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ đột quỵ như dưới đây, sẽ có nguy cơ gặp phải biến cố đột quỵ cao hơn những người không có yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được hoặc không thể thay đổi
Những yếu tố nguy cơ đột quỵ không thể thay đổi:
1. Tuổi cao: Cùng với tiến trình lão hóa, những thay đổi trong cơ thể con người và đặc biệt là khi mạch máu cũng xơ cứng và hẹp lại khi tuổi ngày càng cao khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác.
2. Yếu tố chủng tộc: Với cơ chế còn chưa được hiểu rõ, những người Nam Á, da màu châu Phi và da màu khu vực Caribê có nguy cơ đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác
3. Yếu tố gia đình: Tiền sử trong gia đình có người từng bị đột quỵ cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.
4. Yếu tố gene: Một số bệnh lý liên quan đến bất thường về gene dẫn đến việc máu dễ đông hơn những người bình thường. Khi cục máu đông hình thành và lưu thông trong mạch máu sẽ khiến tắc mạch tại một vị trí mà nó không thể đi qua. Nếu vị trí tắc mạch là ở mạch máu não thì khi đó đột quỵ xảy ra.
5. Giới: Nữ giới nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới.
Theo Hiệp hội Đột quỵ Vương Quốc Anh: “Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ theo nhiều cách khác nhau. Huyết áp cao có thể khiến cục máu đông di chuyển tới não và cũng có thể phá hủy các mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não. Huyết áp cao cũng có thể khiến xuất huyết não xảy ra dễ dàng hơn, từ đó dẫn tới đột quỵ”.
Để kiểm soát và giảm huyết áp hiệu quả, ngoài việc có một lối sống khoa học, việc bổ sung kali trong chế độ ăn uống cũng là điều cần thiết.
Kali là một khoáng chất có thể giúp loại bỏ natri - một trong những nguyên nhân gây ra huyết áp cao - cũng như giúp thư giãn thành mạch máu.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ: “Thực phẩm giàu kali rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp cao hoặc tăng huyết áp, bởi kali giúp giảm tác dụng của natri. Bổ sung đủ kali sẽ giúp đào thải natri qua nước tiểu tốt hơn. Kali cũng giúp giảm bớt sự căng thẳng trong thành mạch máu, từ đó giúp giảm huyết áp hiệu quả”.
Bổ sung kali qua các loại đồ uống là một cách đơn giản để kiểm soát huyết áp.
Có 7 loại đồ uống cực giàu kali, đó là:
- Nước ép mận khô (707mg kali/cốc)
- Nước ép cà rốt (689mg kali/cốc)
- Nước ép cà chua (556mg kali/cốc)
- Nước cam (496mg kali/cốc)
- Nước ép bưởi (400mg kali/cốc)
- Sữa (342mg kali/cốc)
- Nước ép mơ (286mg kali/cốc)
Nước ép mơ sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2011 đã phân tích 10 thử nghiệm về mối liên hệ giữa lượng kali tiêu thụ và nguy cơ đột quỵ. Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng 1.000mg kali trong chế độ ăn mỗi ngày, nguy cơ đột quỵ sẽ giảm 11%.
“Lượng kali trong chế độ ăn uống càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng thấp, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu).”
Một nghiên cứu khác cũng được công bố trên Tạp chí Đột quỵ vào năm 2014 đã xem xét mối tương quan giữa hàm lượng kali được tiêu thụ và nguy cơ đột quỵ ở hơn 90.000 phụ nữ.
Kết quả của nghiên cứu có viết: “Lượng kali cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Lượng kali cao cũng giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người không bị tăng huyết áp”, theo Tổ Quốc.