Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản xin ý kiến các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2 (dự án metro số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn đầu tư. Ảnh: Tuổi trẻ TP.HCM
Thông tin từ tạp chí điện tử Tri thức, trước đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này để làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án dự kiến dùng vốn vay ưu đãi STEP từ Chính phủ Nhật Bản để đầu tư xây dựng. Điều kiện của vốn vay STEP là nhà thầu chính và là các công ty Nhật Bản hoặc liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư của dự án Metro số 2 được điều chỉnh tăng từ 19.555 tỷ đồng (khoảng 131 tỷ JPY, mức phê duyệt đầu tư năm 2008) lên 35.588 tỷ đồng (tương đương khoảng 200 tỷ JPY, mức vốn đề xuất phê duyệt đầu tư tại thời điểm hiện nay).
Cụ thể, về dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, năm 2007, TP Hà Nội đã đề xuất tách tuyến đường sắt đô thị này thành hai dự án thành phần tương ứng với hai giai đoạn triển khai dự án như sau:
Dự án thành phần 1 nối đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5km, điểm đầu ga C1 Nam Thăng Long, điểm cuối ga C11 trên phố Trần Hưng Đạo.
Dự án thành phần 2 nối đoạn Trần hưng Đạo – Thương Đình có chiều dài 5,9km, điểm đầu ga C11 Trần Hưng Đạo, điểm cuối ga C16 Thượng Đình
Tuyến đường sắt đô thị bắt đầu từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo, báo Tuổi trẻ thông tin.
Trên tuyến có 3 nhà ga trên cao, 7 ga ngầm, vị trí khu bảo dưỡng, sửa chữa (Depot) đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km. Đến nay đã có tuyến Cát Linh – Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Thượng Đình theo quy hoạch sẽ được đầu tư kéo dài tới sân bay quốc tế Nội Bài, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên khoảng 47,3km.
Trong quy hoạch chung đang được điều chỉnh, TP bổ sung 5 tuyến đường sắt đô thị, tổng số vốn cho 15 tuyến khoảng 55 tỷ USD.