Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của hai ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ngày 1/10/2015, PNB và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật.
Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu hai ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) cũng đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và Ngân hàng Nhà nước xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.
Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa, xét thực tiễn quá trình triển khai phương án tái cơ cấu PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trước đó, ngày 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 6066/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên cơ sở tự nguyện của 2 ngân hàng theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.
Ông Trầm Bê khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng PNB, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Như vậy, ông Trầm Bê đã không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan và cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Ông Trầm Bê cũng đã cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê./.