Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cha đẻ của tác phẩm ''Ai đã đặt tên cho dòng sông'' qua đời

  • Bảo An
(DS&PL) -

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã qua đời vào ngày 24/7, chỉ ít ngày sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất. Ông hưởng thọ 87 tuổi.

Báo Tiền phong đưa tin, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng ngày 24/7. Ông lặng lẽ đi theo người vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa mất ngày 6/7.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978. Thời niên thiếu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế.

Mối tình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng được nhiều người trong giới văn chương ngưỡng mộ. Ảnh: Báo Tiền phong.

Sau khi học hết bậc trung học ở Huế năm 1960, ông chuyển vào TP.HCM học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Ông viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ. Ông cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP. Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007).

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông, viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. 

Được biết, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh vào năm 1998, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác trên giường bệnh trong suốt 20 năm qua. Đa số các tác phẩm trong giai đoạn này được đăng tải trên chuyên mục Nhàn đàm của báo Thanh Niên.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn sáng tác trong suốt 20 năm trên giường bệnh. Ảnh: VTC News

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, nhà văn đã đạt nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam các năm 1999, 2008; Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 - cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Đánh giá chung về sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sách Ngữ văn 12 có đoạn viết: "Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút ký. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa".

Nhà thơ Ngô Minh nhận định, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay: "Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình...Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc...thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc". VTC News dẫn thông tin.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật