Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cây nhà hàng xóm vươn sang ranh giới đất nhà mình thì có được tự ý hái quả?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Việc có được tự ý hái quả hay không nếu cây nhà hàng xóm vươn sang ranh giới đất nhà mình có lẽ là băn khoăn của rất nhiều người.

Điều 175 Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định về ranh giới giữa các bất động sản. Theo đó, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo như thỏa thuận hoặc theo như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo như tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không xảy ra tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả với trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh hay bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng và duy trì ranh giới chung.

Người sử dụng đất sẽ được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Bên cạnh đó, người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo như ranh giới đã được xác định. Nếu như rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới, phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cây nhà hàng xóm vươn sang ranh giới đất nhà mình thì có được tự ý hái quả hay không là vấn đề mà nhiều người băn khoăn. Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về mốc giới ngăn cách các bất động sản. Cụ thể, các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về vấn đề dựng cột mốc, hàng rào hay trồng cây, xây tường ngăn ở trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản. Các vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Nếu mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên ở trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó sẽ là sở hữu chung, chi phí để xây dựng sẽ do bên tạo nên chịu, trừ khi có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng, chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào hoặc trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015, đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ và hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ khi có thỏa thuận khác.

Từ những quy định trên, có thể hiểu rằng chỉ trong trường hợp cây đó được trồng và sử dụng làm mốc giới ngăn cách giữa hai nhà, cây sẽ là mốc giới thuộc sở hữu chung, bạn mới có quyền hưởng hoa lợi từ cây này.

Nếu không thuộc trường hợp nói trên, cây chỉ do nhà hàng xóm trồng, nằm hoàn toàn trong đất nhà hàng xóm nhưng rễ cây hoặc cành vươn sang phần đất nhà của bạn thì theo đúng nguyên tắc, bạn có quyền yêu cầu hàng xóm phải cắt tỉa phần vượt quá, không được thu hoạch quả của họ.

Căn cứ vào Điều 191 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sử dụng không phải chủ sở hữu, người mà không phải là chủ sở hữu sẽ được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo như quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu bạn có thể thỏa thuận được với nhà hàng xóm thì bạn có thể thu hoạch phần quả này, còn nếu không thỏa thuận được thì bạn không được phép thu hoạch.

Cá nhân nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, xử phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi trộm cắp tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định rằng xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.

Trường hợp nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 hoặc là Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tin nổi bật