(ĐSPL) - Cầu tràn Thác Ngựa nằm trên Sông Cái nối thị trấn Khánh Vĩnh với 4 xã ở huyện Khánh Vĩnh bị lũ cuốn trôi khiến việc đi lại, thông thương gặp trở ngại.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, trong đợt mưa lớn dài ngày, nước lũ dâng cao khiến nhiều phương tiện ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) không thể qua lại được. Khi nước rút, người dân phát hiện khoảng 15m cầu tràn đã bị lũ cuốn trôi.
Cầu tràn Thác Ngựa nằm trên Sông Cái nối thị trấn Khánh Vĩnh với xã Khánh Nam và một số xã lân cận khác thuộc huyện Khánh Vĩnh, dùng để vận chuyển lúa, mỳ, nông sản của người dân.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT, phó ban Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Khánh Vĩnh cho biết, huyện đã đề nghị Sở GTVT tỉnh khắc phục sự cố cầu tràn Thác Ngựa (có tên khác là cầu Khánh Nam) bị mưa lũ cuốn trôi.
Cầu tràn Thác Ngựa bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Theo ông Thuận, cầu tràn Thác Ngựa là con đường duy nhất nối với các xã lân cận của huyện. Sau khi bị lũ cuốn trôi, việc thông thương cũng như di chuyển của hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng.
Báo Tri thức trực tuyến cho biết, hiện, người dân muốn sang trung tâm huyện chỉ còn cách đi qua cầu treo gần đó, các phương tiện vận tải nặng phải chờ khắc phục cầu.
Cầu tràn hư hỏng đã gây ảnh hưởng lớn khi nhiều hàng hóa, nông sản của người dân không thể tiêu thụ được.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, ngoài việc ảnh hưởng đến đi lại của người dân, thiệt hại về kinh tế có thể rất lớn. 4 xã bên kia cầu chủ yếu sống dựa vào kinh tế vườn đồi, nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
"Muốn lưu thông hàng hóa bắt buộc phải di chuyển đường vòng để xuống TP Nha Trang và huyện Diện Khánh. Lúc này chi phí sẽ rất tốn kém và thiệt hại về thu nhập của bà con lớn hơn khi đi qua trung tâm huyện" - ông Hoa thông tin thêm.
Về sự cố sạt lở đường 27C trên đèo Khánh Lê (đường nối Nha Trang – Đà Lạt), ông Nguyễn Văn Thuận cho biết, hiện nay các đơn vị thi công đã cho nổ mìn phá những tảng đá to chắn ngang đường để xe công vụ vào dọn dẹp, khắc phục sự cố.
Dự kiến trong vài ngày tới, tuyến đường này sẽ được thông xe.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: 1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
BẢO KHÁNH (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]TLrXOGm19N[/mecloud]