Cụ thể, vào ngày 18/7 vừa qua tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã ghi lại hình ảnh cậu thiếu niên 15 tuổi cùng mẹ và em trai đứng trước cửa thang máy của nhà ga, bên cạnh là hành lý. Bỗng nhiên cậu lao tới túm lấy cổ mẹ mình và đẩy vào tường. Cậu em trai thấy vậy thì cố kéo tay anh ra để bảo vệ mẹ, người mẹ cũng cố gắng chống đỡ để thoát khỏi những cú đấm kinh khủng của người con lớn.
Ngay cả khi nhân viên tàu điện ngầm đến can ngăn, thiếu niên vẫn tiếp tục đá và đẩy mẹ mình. "Trả con điện thoại đây" - cậu vừa túm tay mẹ vừa hét.
Đáp lại, người mẹ lấy điện thoại của con ra, đập mạnh xuống sàn, sau đó nhặt lên rồi ném xuống sàn một lần nữa. Hành động này khiến đứa con càng trở nên mất kiểm soát. Cậu tiếp tục đá, đánh mẹ trong cơn điên giận và chỉ dừng lại khi cảnh sát tới.
Đoạn video sau khi được lan truyền đã khiến dư luận dậy sóng, nhiều người chỉ trích thiếu niên quá bất hiếu, hư đốn khi dám đánh mẹ mình chỉ vì chiếc điện thoại.
Tuy nhiên một người lại hết lời chê trách người mẹ và cho rằng cậu bé phản ứng như vậy là do cách hành xử sai lầm của chị này, và cách giáo dục con đã sai từ đầu.
Dù cậu em trai nhỏ vào can ngăn nhưng người anh lớn vẫn tiếp tục đánh mẹ. Ảnh: SCMP
"Cậu thiếu niên này là thất bại của cha mẹ, sản phẩm lỗi của giáo dục”
"Người mẹ cũng mất kiểm soát cảm xúc, hành động của bà mẹ càng khiến con trai bạo lực hơn"
"Hành vi ném điện thoại của con xuống đất liên tục ấy cực kỳ sai lầm, nó kích động đứa trẻ khiến nó càng trở nên mất kiểm soát"
"Với người nghiện game, dù là trẻ con hay người lớn, không thể nào xử sự theo cách đó được; quật mạnh điện thoại của nó xuống đất chính là cách nhanh nhất khiến nó trở nên điên rồ"
“Vì bố mẹ không nghiêm khắc với con cái ngay từ đầu, dạy con đúng sai, phải trái nên bây giờ cậu bé mới thành ra như vậy…. thế mới nói quan tâm và giáo dục con từ nhỏ là rất quan trọng”….
Chứng nghiện chơi game ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và gây ra nhiều tác hại. Tháng trước, một bé gái 13 tuổi ở miền Trung nước này đã lấy trộm 449.500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ đồng) của mẹ để chi cho các trò chơi trực tuyến trong hơn 4 tháng.
Hồi tháng 2, dư luận Trung Quốc choáng váng trước một đoạn video quay cảnh một học sinh tiểu học ở miền Nam Trung Quốc vung con dao thái thịt về phía cha mình vì bị bố cấm chơi điện tử trên điện thoại di động.
Cậu bé liên tục hét lớn đòi trả lại điện thoại. Ảnh: SCMP
Cần làm gì khi trẻ nghiện game ?
Đưa con đến gặp bác sĩ để tư vấn. Phụ huynh có thể đối chiếu các câu hỏi này với trẻ và gặp bác sĩ để xác định chính xác tình trạng bệnh của trẻ.
- Trẻ có tự thấy bản thân cần cắt giảm việc chơi game lại hay không?
- Trẻ có cảm thấy khó chịu khi nhận những lời chỉ trích từ việc chơi game hay không?
- Trẻ có bao giờ cảm thấy chơi game là một việc làm không tốt?
- Có phải game là thứ đầu tiên trẻ nghĩ đến khi thức dậy vào buổi sáng?
- Có sự thay đổi tiêu cực nào về tâm lý hay không từ khi bạn bắt đầu thói quen này?
- Trẻ có thấy bản thân mình giảm những mối quan hệ xã hội – mất liên lạc với bạn bè, gia đình?
- Hiệu suất tại trường học hay nơi làm việc của trẻ giảm sút mà không có điều gì khác có thể lý giải?
Ngoài ra, phụ huynh cần giải thích để trẻ có một cái nhìn tổng quát về các rối loạn tâm thần mắc phải khi chơi game quá nhiều. Khi giải thích, phụ huynh cần kết hợp giữa tác hại và lợi ích của việc chơi game. Không nên quá cấm cản trẻ, vì thông thường càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá thêm.
Phụ huynh cũng nên theo dõi thường xuyên các thay đổi hành vi của trẻ. Gọi hoặc gặp bác sĩ tư vấn ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường.
Làm gì khi con nổi cơn giận và đánh lại bố mẹ ?
Bố mẹ hãy tham khảo và áp dụng 4 bước sau:
Bước 1: Không đánh lại trẻ mà nên hiểu trẻ đang trong quá trình học cách thể hiện cảm xúc. Nếu mình đánh lại thì trẻ hiểu là khi cáu giận chỉ cần đánh là được.
Bước 2: Hãy bình tĩnh. Vì thái độ bình tĩnh sẽ giúp trẻ học được cách điều khiển cảm xúc của mình như nào. Có thể nhiều người không coi trọng bước này, nhưng thực sự nó rất hiệu quả với mình. Mình hay dẫn con ra một chỗ riêng để hai mẹ con cùng giải quyết.
Bước 3: Đồng cảm với cảm xúc của trẻ khi ấy “Mẹ thấy con đang cáu giận. Mẹ biết con muốn ABC...”
Bước 4: Cầm tay trẻ, ngồi ngang tầm nhìn vào mắt trẻ rồi nói ra thông điệp “Con dừng lại” một cách nghiêm khắc và dứt khoát. "Con dừng lại, không đánh mẹ, mẹ rất đau, khi bực tức việc đánh ko phải là cách giải quyết vấn đề".
Và đương nhiên phải lặp đi lặp lại cả mấy chục lần trẻ con mới thay đổi, bởi con đang học cách thể hiện cảm xúc, kiềm chế hành vi cáu giận nên mẹ cũng cần bao dung và kiên nhẫn với con hơn.
Quá trình đó hãy nhờ Bố can thiệp, bằng cách bố sẽ ra nói bé dừng lại vì con làm như vậy mẹ sẽ rất đau. Và cách này vẫn rất hiệu quả với bé đang ở giai đoạn 3-5 tuổi đấy ạ.
Ghi nhận sự tiến bộ
Bất cứ khi nào thấy bé có sự tiến bộ là bố mẹ phải ghi nhận ngay để khích lệ bé sửa.
Ví dụ như con hay đánh bạn khi không giữ được bình tĩnh. Bố mẹ có thể áp dụng chiêu này để hướng dẫn con nhé “Khi con tức mà không kiềm chế được con hãy nhớ câu DỪNG LẠI để nhắc nhở mình nhé. Mẹ cũng sẽ nhờ cô giáo ở lớp nhắc con”. Và chắc chắn rằng dần dần con sẽ học được cách kiềm chế cảm xúc tốt hơn.
Bố mẹ ơi, chuyện bé đánh bố mẹ chỉ là 1 hành vi ứng xử trong quá trình con lớn lên, mà nhờ có nó con mới trưởng thành, và cũng là cơ hội tốt để bố mẹ học cách làm cha mẹ tốt hơn, nên bố mẹ ơi đừng lo lắng quá mà hãy kiên nhẫn và bao dung với con nhé.
Thùy Dung (T/h)