Khoảng thời gian cuối cùng của chị thật đẹp và ý nghĩa, vì chị đã đem hết tất cả niềm yêu thương cuộc sống này của mình san sẻ cho người khác...
Chị 30 tuổi, xinh đẹp và tài năng, tâm hồn chị luôn tươi mới và rộng mở như một vườn hoa hướng dương mùa nắng nhẹ. Tôi không nhớ nổi và chính chị cũng không nhớ nổi chị đã vi vu đến bao nhiêu nơi trên mặt đất này rồi.
Nhưng tôi luôn nhớ cái đêm trước khi chị đáp chuyến bay đến Canada, chị gọi điện và hét lên:
- Em là người đầu tiên chị kể cho nghe chuyện này đấy!
Tôi bật cười:
- Chuyện gì mà chị vui quá vậy?
Tin nhắn báo, chị gửi cho tôi hình chụp một tờ xét nghiệm giải phẫu bệnh có tên chị, tôi chưa kịp đọc hết thì chị đã nói tiếp:
- Bữa trước chị mệt nên đi khám, qua kiểm tra tổng quát thì bác sĩ nói chị bị ung thư vú giai đoạn cuối, di căn tùm lum hết cả rồi.
Tôi lặng người, nhẹ nhàng hỏi:
- Chị vẫn ổn chứ?
Chị lại hét lên:
- Mày là bác sĩ mà hỏi ngu thế! Ung thư giai đoạn cuối rồi còn ổn sao được?
- Khe khẽ thôi chị! Chị đang ở nơi công cộng mà! Tôi nói mà thương chị.
Bác sĩ tiên lượng, nếu chị điều trị đúng phác đồ, nhiều nhất cũng chỉ có thể duy trì thêm được 1 năm nữa.
Khoảng thời gian cuối cùng của chị thật đẹp và ý nghĩa. (Ảnh minh họa). |
Cũng may là chị nghe lời tôi, tuân thủ tuyệt đối theo điều trị của bác sĩ bên ung thư, nên tôi cũng yên tâm hơn. Chị nghỉ việc, không đi xa nữa, dành phần lớn thời gian ở bên gia đình, thời gian còn lại chị đến ngồi nói chuyện và chăm sóc cho một chị hàng xóm.
- Chị mệt vậy rồi sao còn đi lo cho người khác? Chị ấy bị sao vậy chị? Nhà chị ấy không có ai lo được sao?
- Chị ý mắc viêm đa cơ em ạ! Hơn chị có 2 tuổi, mới lấy chồng, đang khoẻ mạnh, công việc đang tốt, đùng một cái mắc bệnh.
- Vậy còn...
- À, chồng chị ấy là kẻ không ra gì! Biết tin vợ bệnh cái là đi cặp bồ rồi đòi ly dị. Chị ấy suy sụp lắm. Là con một mà ba mẹ mất cả rồi, chị qua nói chuyện động viên tinh thần chị ý luôn.
- Chị ý có biết về bệnh tình của chị không?
- Không! Ngu gì mà nói ra? Mà mấy tế bào ung thư trong cơ thể chị cũng đầy sức sống thật chứ bộ!
Quả thật, tinh thần và sự lạc quan của chị khiến tôi thầm xấu hổ cho sự nhát chết của mình. Rồi chị dẫn tôi qua thăm chị hàng xóm. Trong lúc chị đi chuẩn bị bữa sáng, chị hàng xóm ngồi tựa vào thành giường, nhìn xa xăm ra ô cửa sổ đầy nắng rồi nhẹ nhàng:
- Từ ngày có bạn ấy, mình thấy cuộc sống đẹp hơn hẳn. Bạn ấy thường kể cho mình nghe câu chuyện về những vùng đất bạn ấy từng đặt chân đến mình cũng mong ngày nào đó mình cũng có thể đến đó. Bạn ấy cũng hay đẩy xe đưa mình ra công viên chơi, đi dạo, hai chị em trò chuyện tâm sự vui lắm. Cuộc sống này có những người như bạn ấy thật tuyệt vời biết bao!
Thế nhưng...
... Bác sĩ tiên lượng, nếu chị điều trị đúng phác đồ thì nhiều nhất cũng có thể duy trì thêm được 1 năm, nhưng chỉ 4 tháng sau là chị đã ra đi vĩnh viễn. Ngày chị rời cõi tạm này, tôi đề nghị đẩy giúp xe cho chị hàng xóm tiễn chị ra tận đài hoá thân, nhưng chị hàng xóm nhất quyết muốn tự đẩy xe bằng hai tay của chính chị.
Giỗ đầu của chị, tôi qua nhà thắp cho chị nén nhang. Chợt nhớ ra nên hỏi mẹ chị về chị gái hàng xóm ngày xưa.
Bác mỉm cười kể: “Từ sau đám tang, tháng nào cô gái ấy cũng qua đây mang theo bánh tự làm và thắp hương cho chị. Cô hàng ngày tự đẩy chiếc xe lăn đi xung quanh, tươi cười chào và chan hoà với tất cả mọi người, tối cuối tuần là đến trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật để đọc sách, dạy chữ cho các bé, nói chung là sống rất yêu đời”.
Nói đến đây bác chợt dừng lại thở dài:
- Nhưng hôm nay con bé không mang bánh qua nữa rồi.
- Ủa sao vậy ạ?
-Hai tháng trước bệnh tình của con bé nặng lên, thấy xe cứu thương đến tận cửa đưa đi, nhìn con bé khó thở dữ lắm. Hôm qua viện thăm, bác mới biết bệnh đột ngột tiến triển đến liệt hết cả cơ hô hấp rồi. Được khoảng hai tuần lại thấy xe cấp cứu đỗ trước cửa nhà, lần này là đưa con bé về...
Tôi xin phép về rồi qua nhà chị hàng xóm thắp cho chị ấy nén nhang. Di ảnh của chị hàng xóm giống của chị, đều là bức ảnh một cô gái trẻ đang cười, an nhiên lắm.
Theo BS. Dương Minh Tuấn