Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Câu chuyện hoàn lương của vợ chồng lâm tặc trở thành tỷ phú

(DS&PL) -

Hơn 10 năm làm lâm tặc ở miền Tây xứ Nghệ, vợ chồng Thắng không nhớ mình đã chặt bao nhiều cây rừng. Nhắc đến Thắng, các tay giang hồ trong xứ Nghệ đều phải kính nể về độ ăn chơi, lì lợm...

(ĐS&PL) - Từng là trùm lâm tặc nổi tiếng ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, hơn 10 năm làm lâm tặc, vợ chồng Thắng không nhớ mình đã chặt bao nhiều cây rừng để đi tiêu thụ. Lúc đó, nhờ buôn lậu vợ chồng Lê Thắng có trong tay hàng chục tỷ đồng, là gia đình giàu có nhất vùng. Nhắc đến Thắng, các tay giang hồ xứ Nghệ đều phải kính nể về độ ăn chơi, lì lợm và có tài quan hệ. 

Có tiền, Thắng lao vào ăn chơi, cờ bạc. Số tài sản kếch xù hắn đều ném vào đỏ đen khiến hai vợ chồng trắng tay. Từ vô sản, Thắng và vợ quyết định làm ăn lương thiện, rồi trở thành chủ trang trại nổi tiếng, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Vợ chồng lâm tặc - cặp bài trùng

Về với miền tây xứ Nghệ, nhắc đến vợ chồng Thắng – Loan, ở bản Khe Đóng, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) thì ai cũng biết. Bởi ngày trước, vợ chồng Thắng là tay đàn anh, đàn chị giang hồ, khiến ai cũng phải khiếp sợ. Nhưng giờ đây, vợ chồng Thắng lại là ông chủ, bà chủ của một trang trại lớn.

Lê Thắng quê gốc ở Bình Định. Năm 1954, cha Thắng tập kết ra Quân khu IV, về Vinh sinh sống và xây dựng gia đình ở thành phố đỏ. Nhưng khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, cả gia đình Thắng phải di cư lên xóm Cầu Đất, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trú ẩn. Tháng 4/1962, Thắng ra đời nơi mảnh đất tản cư yên bình này. Cũng như bao trai làng khác, Thắng được ba mẹ nuôi ăn học hết cấp 3 thời ấy.

Thi Đại học không đỗ, Thắng ở nhà phụ giúp ba mẹ buôn bán, rồi xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Loan. Được biết, thời điểm này, Cầu Đất thuộc loại giàu có của cả vùng 4 huyện giáp nhau: Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Thấy mọi người lên rừng đốn gỗ về bán được thu nhập cao, vợ chồng Thắng cũng bắt chước sắm đồ nghề lên rừng đốn gỗ. Vốn là một kẻ liều lĩnh, Thắng nhanh chóng trở thành ông chủ của xóm Cầu Đất. Hai vợ chồng Thắng trở thành trùm lâm tặc ở mãnh đất này. Họ thu gom gỗ lậu, thuê người vào rừng đốn gỗ, thu được lợi nhuận “khủng”. 

Nhưng rồi, gỗ và lâm sản khai thác mãi cũng hết, kèm theo Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng không cho khai thác, hơn nữa rừng bây giờ cơ bản đã có chủ, nên việc khai thác gần như lén lút, khai thác trộm. Mạng lưới kiểm lâm được bố trí về tận các xã. Nếu như việc buôn bán lâm sản trước đây dễ làm giàu thì bây giờ nó lại là việc phạm pháp, nếu bị bắt coi như sạt nghiệp.

Bất chấp lệnh cấm, vợ chồng Thắng - Loan vẫn tiếp tục khai thác và buôn lậu gỗ. Thắng kể, hồi đó anh từng một lúc thuê cả đàn trâu 18 con kéo gỗ trộm cả đêm, còn vợ Thắng lo tìm mối tiêu thụ. Năm đó, cơn sốt gỗ cũng bùng phát ở huyện miền núi này. Giang hồ kéo đến tranh giành lãnh địa rất phức tạp. Nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu xảy ra gây rúng động núi rừng. Tuy nhiên, vốn có máu mặt trong vùng, nên không ai dám động đến vợ chồng Thắng. Nghiễm nhiên, hắn làm ăn phất lên trông thấy.

Anh Thắng cần mẫn chăm sóc đàn trâu

Có tiền, Thắng bắt đầu tìm đến thú vui cờ bạc để giải khuây. Thắng không ngờ đây là bước ngoặt khiến anh khuynh gia bại sản. Mặc cho vợ con khuyên ngăn, máu cờ bạc đã ăn sâu vào người Thắng. Sau một năm, số tiền khổng lồ của gia đình đều bị Thắng ném vào trò đỏ đen. Mãi tới khi trong nhà không còn một thứ gì, Thắng mới thực sự tỉnh ngộ.

Cũng thời điểm đó, việc làm ăn buôn bán khó khăn, lại thêm 7 miệng ăn trong nhà, càng khiến vợ chồng Thắng thêm áp lực. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả … nên việc học hành của các con cũng bị gian đoạn. Từ vị trí ông bà chủ, vợ chồng Thắng trở thành con nợ, phải đi làm thuê, làm mướn, thậm chí phải bán nhà, bán đất sang vùng khe đóng Thạch Ngàn khai sơn phá thạch làm ăn sinh sống. Và, đây cũng là bước ngoặt đổi đời của cặp vợ chồng “lâm tặc” Thắng – Loan.

Con đường phục thiện và trở thành tỷ phú

Sau khi khuynh gia bại sản, vợ chồng Thắng quyết tâm làm lại từ đầu bằng những nghề lương thiện. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng vào khe Cây Trổ để đốn củi kiếm tiền mua gạo. Nhận thấy, đây là vùng đất rộng, đất đai màu mỡ, nếu chịu khó khai hoang để trồng lúa, ngô, sắn,... sẽ rất tốt. Vợ chồng Thắng bàn với nhau làm đơn xin nhận 7ha đất đồi rừng bỏ hoang, quyết tâm biến vùng đất này thành cơm. Có đất rồi nhưng lấy đâu ra vốn để mua trâu cày bừa, mua giống? Đang trong lúc bí bách thì có chủ trương của Hội nông dân tín chấp cho hội viên vay vốn làm ăn. Vợ chồng Thắng mạnh dạn làm đơn vay 10 triệu đồng, mua một con trâu cày kéo và ít giống, phân bón đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Thắng tâm sự: Đang là ông chủ ăn sung mặc sướng, nay túng đói nợ nần, đi đâu gặp ai cũng đòi nợ. Vì xấu hổ, có khi anh ở miết trong trang trại cả tháng, cả năm không ra ngoài. Hai vợ chồng ngày đêm khai hoang, phục hoá, cứ vậy ngày đêm đào cuốc, cày bừa. Mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại vợ chồng anh khai hoang được hơn 7ha đất để trồng trọt chăn nuôi.

Gần 3.000m2 ruộng, vợ chồng anh đưa giống mới vào trồng. Đất lạ lắm mùn, cộng với mồ hôi đã cho vợ chồng anh những mùa ngô, lạc, đậu, lúa bội thu. Không chỉ trang trải đủ lương thực cho gia đình cả năm, còn đủ cho chăn nuôi và bán trả nợ ngân hàng.

Khi nhà nước có chủ trương đưa cây mía vào canh tác, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư, nhận trồng lúc đầu 2ha, rồi lên 5ha. Vụ mía đầu tiên cho lãi hơn trăm triệu đồng, không chỉ đủ trả nợ nần, mua sắm đồ dùng mà còn dư ra.

Cạnh nhà trại có con suối nhỏ, anh ngày đêm đào đắp ngăn khe, trữ nước vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới cho cây trồng, phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Năm ngoái, anh thu được gần 1,5 tấn cá, bình quân 7-8kg/con, có những con trắm cỏ to nặng 14-15kg, cho thu nhập hơn trăm triệu đồng.

Ao cá của vợ chồng anh Thắng cho thu nhập khủng mỗi năm

Không giấu vẻ xúc động, chị Loan kể: "Thú thực với các bác, bỏ được cái nghề “lâm tặc” như cởi được cái án tù ấy. Thời buôn bán chui lủi, như ăn cắp, ăn trộm, nào có an toàn, thoát được kiểm lâm lại bị bạn bè mua chạc tiền, đến nay còn hàng chục triệu không đòi được

Không chỉ có thu nhập cao, bình quân mỗi ngày vợ chồng anh còn giải quyết việc làm cho 5-6 lao động, công trả 60.000 -100.000 đồng/ngày, nuôi bữa cơm trưa. Lúc thời vụ, thuê có lúc cả 50-60 người để thu hoạch mía, sắn. Đến mùa vụ trồng, có khoảng 20-30 người thuê trồng trỉa. Nhẩm tính riêng trồng trọt mía và sắn, mỗi năm cho vợ chồng anh thu nhập 350-400 triệu đồng, ao cá thu thêm gần trăm triệu. Trong chuồng hiện giờ có 35 con dê nái, 40 con lợn, 10 con trâu, hàng năm thu hoạch 2 tấn lúa.. chưa kể rừng keo 2ha sắp đến thời kỳ khai thác..

Đôi lúc nghĩ lại những việc làm trước kia, vợ chồng anh Thắng vẫn cảm thấy rùng mình. Giờ đây, vợ chồng Thắng đã có một cơ ngơi vào loại hoành tráng nhất huyện miền núi này. Mô hình kinh tế của gia đình Thắng Loan thường xuyên được huyện và tỉnh biểu dương. Hai vợ chồng là tấm gương cho nhiều người dân trong vùng noi theo.

Hà Hằng

Tin nổi bật