Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh tượng một cậu bé Trung Quốc liên tục gào khóc, nắm chặt cổ áo mẹ không buông đang khiến dư luận nước này "dậy sóng".
Theo đó, bố mẹ cậu bé đều làm việc tại thành phố Thượng Hải trong khi em sống với ông bà ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Khi thấy mẹ về thăm, cậu con trai khoảng 4, 5 tuổi vô cùng vui mừng. Đến khi mẹ rời đi, đứa trẻ không ngừng khóc nức nở, nắm chặt cổ áo mẹ không rời và cầu xin mẹ đừng đi.
Dù người mẹ giải thích rằng cô phải đi làm để kiếm tiền nuôi con, cậu con trai hét lớn: "Con không cần tiền, con cần mẹ thôi". Phải đến khi người bà thuyết phục rằng nếu mẹ không đi làm sẽ không thể mua những món đồ chơi cậu bé muốn thì em mới ngừng quấy khóc.
Chia sẻ với truyền thông, người mẹ cho biết vợ chồng họ không hề muốn bỏ rơi con, chỉ vì lo lắng tình hình COVID-19 ở Thượng Hải nên mới đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. "Thực sự tôi cũng rất đau lòng. Bây giờ chúng tôi không có lựa chọn nào ngoài việc tạm thời xa con. Sang năm, chúng tôi sẽ đoàn tụ", người phụ nữ nói.
Đoạn clip sau khi được chia sẻ đã thu hút vô số phản hồi của cộng đồng mạng. Đa số đều không khỏi xúc động trước hoàn cảnh của gia đình và chúc họ sớm ngày đoàn tụ.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Cậu bé khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của chính mình, khi bố mẹ là công nhân nhập cư. Họ chỉ có thể về thăm nhà vài năm một lần";
"Tôi sẽ rất buồn nếu để con ở nhà. Tôi thà ở quê kiếm được ít tiền hơn là vội vã đến các thành phố lớn";
"Cha mẹ muốn mang đến cho bọn trẻ một cuộc sống tốt hơn cũng như ở bên chúng, nhưng đôi khi họ không được lựa chọn".
Nhiều đứa trẻ ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng có hoàn cảnh giống gia đình cậu bé. Chúng được gọi là "những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau" khi lớn lên không có bố hay mẹ bên cạnh hoặc do ông bà nuôi nấng.
Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, năm 2018 có gần 7 triệu "trẻ em bị bỏ lại" ở vùng nông thôn khi bố mẹ lên thành phố kiếm sống.
Năm 2015, theo số liệu nghiên cứu của Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Trung Quốc, có 61 triệu "trẻ em bị bỏ lại". Trong đó, 34% có xu hướng tự tử, 9% từng làm như vậy và 70% các em gặp vấn đề tâm lý khác nhau. Những con số trên đặt ra nhiều lo ngại về sự phát triển cũng như sức khỏe tinh thần của những đứa trẻ miền quê không được cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng.
Linh Chi (T/h)