Cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Catalonia đã chấp thuận áp đặt Điều khoản 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha. Theo đó, chính quyền trung ương Madrid sẽ có quyền kiểm soát toàn bộ các cơ quan chính của khu vực này.
Người phát ngôn của Chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho biết, sau một cuộc họp nội các nước này, cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Catalonia, bà Carme Forcadell đã chấp thuận áp đặt Điều khoản 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha. Theo đó, chính quyền trung ương Madrid sẽ có quyền kiểm soát toàn bộ các cơ quan chính của khu vực này.
Cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng Catalonia Carme Forcadell tới tòa án ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 2/11. Ảnh AFP |
“Việc khôi phục trật tự theo Hiến pháp đang bắt đầu trở thành hiện thực”, ông Vigo phát biểu. Ông cũng cho biết thêm, tình trạng bất ổn an ninh do chủ nghĩa ly khai sẽ phải kết thúc sau cuộc bầu cử chính quyền mới cho Catalonia vào ngày 21/12 tới. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi tước quyền tự trị của Catalonia và giải thể chính quyền cũ của khu vực này.
Người phát ngôn của Chính phủ Tây Ban Nha cũng cho biết, bà Forcadell đã hợp tác trả lời tất cả các câu thẩm vấn tại tòa án và từ chối đơn phương hướng tới con đường đòi độc lập.
Trước đó, Reuter đã đưa tin một thẩm phán Tòa án Tối cao tại Madrid đã phát lệnh bắt giữ bà Forcadell và 5 cựu nghị sĩ Catalonia với các cáo buộc sử dụng ngân sách sai mục đích, xúi giục nổi loạn và thúc đẩy khu tự trị giàu có tách khỏi Tây Ban Nha – động thái bị Madrid coi là vi hiến. Nếu bị kết tội, các cựu thành viên chính quyền Catalonia có thể đối mặt với 30 năm tù giam.
Cựu lãnh đạo Nghị viện khu vực được tại ngoại sau khi nộp phí bảo lãnh 150.000 euro. Còn 4 nghị sĩ khác thuộc Hội đồng lập pháp bị phế truất sẽ phải nộp 25.000 euro trong vòng một tuần để không bị giam giữ. Tội danh cáo buộc cho những người này là nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Vùng Catalonia đòi ly khai trên bản đồ Tây Ban Nha. |
Theo tạp chí Times, nguyên nhân khiến Catalonie đòi độc lập là do Phong trào ly khai phát triển mạnh trong vài năm qua khi tình hình kinh tế khó khăn. Catalonia là khu vực giàu có nhất ở Tây Ban Nha và cũng là nơi được công nghiệp hóa ở mức cao nhất, gồm nhiều trung tâm công nghiệp chế biến kim loại, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa học.
Nơi đây cũng tự hào với ngành công nghiệp du lịch đang phát triển, nhờ các điểm đến nổi tiếng như Barcelona. Khu vực này chỉ chiếm 16% dân số nhưng đóng góp tới 20% kinh tế Tây Ban Nha. Người Catalan thường phàn nàn về việc họ đóng góp cho chính phủ Tây Ban Nha nhiều hơn là nhận lại. Vào năm 2014, khoản chênh lệch này lên tới 11,8 tỷ USD.
Minh Minh (Theo Reuter, times, Xihua)