Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành về dự thảo Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trong đó đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…
Theo báo cáo của Bộ GTVT, được triển khai từ năm 2014, đến nay hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu (các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/chiều xe chạy; tại các tuyến cao tốc tổ chức thu phí ETC hoàn toàn).
Trong quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng.
Theo thống kê, toàn bộ 162 trạm thu phí trên toàn quốc (trong đó 72 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý; 61 trạm thu phí do địa phương quản lý và 29 trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý) đủ điều kiện triển khai với tổng số 925 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí ETC.
Bộ GTVT nhận định, việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.
Đến thời điểm này dịch vụ thu phí ETC đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (trên 5,6 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ), số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc). Kể từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thu phí ETC mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.
Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến đề xuất việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí ETC đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…
“Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí điện tử không dừng,” Bộ GTVT cho hay.
Mặt khác, người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí; phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.
Hơn nữa, mở rộng dịch vụ trên nền tảng của thu phí ETC sẽ tận dụng nền tảng, hệ thống sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án thu phí ETC.
Theo Bộ GTVT, để có thể triển khai mở rộng các dịch khác trên nền tảng hệ thống thu phí ETC cần điều chỉnh Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có tham gia quản lý của Ngân hàng nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.
Tuy nhiên, phía Bộ GTVT cho rằng Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg là văn bản quy phạm pháp luật không quy định chi tiết Luật. Do đó, Ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ, trong đó điều 43 quy định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024 nêu rõ: “Thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.”
Do vậy, nếu quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên cơ sở giữ nguyên quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí thì sẽ không phù hợp với sự mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí ETC.
Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện nay (Công ty VETC và Công ty VDTC chỉ cung cấp dịch theo phạm vi của dự án do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, khi bổ sung dịch vụ sẽ phải điều chỉnh dự án đồng thời có nhiều dịch vụ sẽ không thuộc phạm vi quản lý của bộ như thu phí tại các cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường. Do đó, nếu bổ sung tất cả các dịch vụ này sẽ vượt quá thẩm quyền quản lý của bộ.
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất quy định 2 hình thức nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử gồm: nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên cơ sở kế thừa quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, cho phép cung cấp thêm môt số dịch vụ trên cơ sở được bộ chấp thuận. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ là đơn vị mới, chỉ cung cấp các dịch vụ không do bộ quản lý, điều này sẽ hạn chế được sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, phân định rõ phạm vi quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với việc thanh toán cho các dịch vụ khác qua hệ thống thanh toán điện tử giao thông (trên nền tảng hệ thống thu phí ETC), Bộ GTVT đề xuất quy định riêng về thanh toán dịch vụ sử dụng đường bộ và thanh toán cho các dịch vụ khác (các dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, trừ dịch vụ sử dụng đường bộ).