(ĐSPL) - Cáp quang biền AAG gặp sự cố vào ngày hôm nay tuy không phải do đứt cáp, nhưng đây đã là lần thứ ba tuyến cáp quang AAG gặp sự cố...
Vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày hôm nay (26/5), cáp quang biển quốc tế AAG (Asia Gateway Pacific) gặp sự cố khiến Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, tín hiệu đã trở lại bình thường.
Thông tin trên VietnamPlus vào tối cùng ngày, đại diện của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã xác nhận thông tin trên và cho biết, điểm chập chờn cách trạm cập bến Vũng Tàu khoảng 38km. Các đơn vị liên quan chưa xác định được vị trí chính xác của sự cố.
Đây đã là lần thứ ba tuyến cáp quang AAG gặp sự cố. |
Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc VNPT-I cho hay, ngay sau khi phát hiện tín hiệu chập chờn, các doanh nghiệp đã liên hệ với đối tác để kiểm tra hệ thống.
Đây không phải là một vụ đứt cáp, song phía cơ quan điều hành tuyến cáp AAG vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân sự cố.
Như vậy, đây đã là lần thứ ba tuyến cáp quang AAG gặp sự cố. Ở hai lần trước, việc sửa chữa tốn nhiều thời gian khiến việc truy cập Internet trong nước ra quốc tế gặp khó khăn.
AAG có chiều dài 20.191km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Video: Mổ xẻ nguyên nhân cáp quang biển 'hơi tí' là đứt
Sẽ mở thêm tuyến cáp quang sang Trung Quốc
Trả lời báo giới về việc tuyến cáp quang biển AAG bị đứt liên tục trong thời gian qua, Bộ trưởng Son cho biết, hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng đường truyền độc lập, mà mới đang liên doanh, liên kết cáp quang biển với các nước.
Thời gian qua, có những tác nhân ảnh hưởng, tác động đến đường truyền này. Ví dụ, những nguyên nhân do con người như các hoạt động trên biển của tàu, bè, thậm chí lưới cào của ngư dân vướng phải; thậm chí có một số nước đề phòng đến hành động phá hoại.
Tất cả những tình huống này khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác bảo vệ cáp quang nói riêng cũng như hạ tầng thông tin nói chung.
Chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc. |
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển mình cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới”, ông Son cho biết.
Theo Bộ trưởng, dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập Internet của người dân và doanh nghiệp, vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc.
Ông Son cũng cho biết, hiện nay, tập đoàn VNPT đang triển khai 2 tuyến cáp quang mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng. Người dùng Internet sắp tới là trên 30 triệu thuê bao nên chúng ta phải có thêm nhiều tuyến cáp mới cũng như gia cố lại tuyến cáp cũ.
“Những sự cố đáng tiếc như thế này sẽ hạn chế không xảy ra nữa, không để gián đoạn truy cập của người dân”, ông nói.
Ngọc Anh (Tổng hợp)