Trả lời với VTC News, Tiến sĩ Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, cách đây 3 ngày, 2/3 bệnh nhân nặng phải thở máy sau khi ăn cá chép muối ủ chua là Hồ Thị Tài (37 tuổi) và Hồ Văn Đại (26 tuổi) đã được rút máy thở.
3 bệnh nhân nặng trong vụ ngộ độc cá muối ủ chua đã cai thở máy. Ảnh: BVCC
Đối với trường hợp ông Hồ Văn Điều (57 tuổi) được truyền thuốc giải độc tố Botulinum vào ngày 18/3. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, quyết định sử dụng thuốc kháng sinh Meronem chống nhiễm trùng đa kháng kịp thời cho trường hợp này.
Đến sáng nay 24/3 bệnh nhân thứ 3- ông Hồ Văn Điều (57 tuổi) đã được cai thở máy, sức khỏe đã có dấu hiệu tích cực.
Nói rõ về tình hình của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc, ông Mười cho biết: "Sau khi hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, ngành Y tế địa phương dự kiến 3 tuần tới mới cho bệnh nhân Hồ Văn Điều xuất viện phòng biến chứng ngừng tim đột ngột. Đối với các bệnh nhân còn lại, trong tuần tới nếu bệnh nhân nào đủ thời gian và diễn biến lâm sàng tốt thì sẽ được cho ra viện”.
Đối với các ca ngộ độc C.botulinum thể nhẹ còn lại sức khỏe đã ổn định. Tình hình thuốc, vật tư phục vụ quá trình điều trị đã được đảm bảo đầy đủ.
Trước đó như đã đưa tin, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận liên tiếp 10 ca ngộ độc botulinum, một người đã tử vong.
Kết quả xét nghiệm cho thấy món cá chép muối ủ chua các bệnh nhân ăn có độc chất C. botulinum type E.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải ra Quảng Nam và sử dụng 3 lọ cho các bệnh nhân. Đây là số thuốc giải quý hiếm cuối cùng của bệnh viện, trị giá khoảng 8.000 USD/lọ.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng… Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), phương pháp muối chua đã có từ rất xưa, được xem là an toàn để bảo quản thực phẩm. Ủ chua tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn lên men chua (vi khuẩn Lactobacillus) sử dụng dưỡng chất trong thực phẩm để tạo thành acid. Quá trình này cần thời gian, nếu cá chưa đủ độ chua sẽ chưa ức chế được sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, chùm ca ngộ độc botulinum ở Quảng Nam có thể do người dân muối cá không đủ độ mặn và ăn quá sớm, cá muối chua chưa đủ thời gian để lên men chua và tạo ra pH đủ thấp để ức chế botulinum, báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.
Thùy Dung (t/h)