Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cấp lương khống, nguyên phó văn phòng Sở Nội vụ Kiên Giang bị khởi tố

(DS&PL) -

Trong suốt 6 năm, bà Mạc Diệu Lan, nguyên Phó chánh văn phòng Sở Nội vụ Kiên Giang đã kê khống lương để chiếm đoạt 424 triệu đồng.

Trong suốt 6 năm, bà Mạc Diệu Lan, nguyên Phó chánh văn phòng Sở Nội vụ Kiên Giang đã kê khống lương để chiếm đoạt 424 triệu đồng.

Báo VnExpress đưa tin, sáng 5/6, Công an tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Mạc Diệu Lan - nguyên phó chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh về hành vi tham ô tài sản.

Theo báo Tuổi trẻ, tháng 9/2016, bộ phận kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang phát hiện bảng lương của Sở Nội vụ có vấn đề. Tổng số tiền lương dư khoảng 4 triệu đồng so với tổng mức lương của cán bộ, công chức cộng lại.

Ảnh minh họa.

Sau khi tiến hành rà soát, Kho bạc phát hiện việc dôi dư tiền lương của Sở Nội vụ diễn ra đã 6 năm ròng, từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2016. Đến lúc bị phát hiện, số tiền bị chiếm dụng tổng cộng trên 424 triệu đồng.

Qua điều tra cho thấy khi thực hiện bảng lương, bà Lan đã kê khống thêm 1 dòng, tương ứng với 1 người có mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng trong bảng tính lương. Sau đó, bà Lan dùng tính năng phần mềm che dòng thêm này đi nhưng khi cộng gộp từ trên xuống thì số liệu vẫn thể hiện.

Để chiếm dụng số tiền chênh lệch, bà Lan lập 2 bảng lương, trong đó bảng rút từ kho bạc có số liệu cao hơn tiền lương thực tế (có thêm một người hưởng lương khống), còn bảng chuyển cho ngân hàng rót tiền vào các thẻ ATM thì đúng với mức lương của từng cán bộ công chức Sở Nội vụ Kiên Giang.

Báo Tiền Phong thông tin thêm, trước đó, từ năm 2003 -2012 bà Mạc Diệu Lan làm kế toán trưởng của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 7/2012, bà Lan được bổ nhiệm làm phó Chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh.

Lúc này, bà Lan chỉ bàn giao một phần công việc kế toán. Riêng về dự toán lương và cấp phát lương thì bà này không bàn giao mà “ôm” làm bảng lương và quyết toán lương cho đến khi bị phát hiện.

Điều 278 Bộ luật Hình sự về Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật