(ĐSPL) - Đến giờ, những người dân ở TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) vẫn còn xôn xao về đám cưới đặc biệt của hai người khiếm thị. Lễ thành hôn của Lò Duy Eo (SN 1989, bản Nà Ca, xã Chiềng Pha, Thuận Châu, Sơn La) và Lường Thị Ngoai (SN 1992, xã Chiềng Ngàm, Thuận Châu, Sơn La) đặc biệt ở chỗ, cô dâu và chú rể đều không hề biết một nửa của mình bề ngoài ra sao và lễ cưới cũng hoàn toàn được tổ chức bằng sự quyên góp của những người đồng cảnh ngộ với họ.
Tình yêu như một giấc mơ...
Chúng tôi tìm đến căn phòng của đôi vợ chồng trẻ Eo và Ngoai ở phường Quyết Tâm (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La). Tấm biển hiệu "Mát-xa, tẩm quất của hội Người mù" phần nào "tiết lộ" tình cảnh của những con người làm việc và sống ở đó.
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ khiếm thị, đi chậm chạp, dò dẫm nhưng giọng nói luôn niềm nở, thân tình. Theo như lời của Ngoai, cô đang bị mệt nên chồng phải tự đi chợ mua đồ ăn. Quãng đường từ nơi ở ra chợ không bao xa, nhưng Eo đi phải mất gần hai tiếng đồng hồ. Căn nhà của đôi vợ chồng son cũng chính là cửa hàng mát-xa, tẩm quất của ông Trần Văn Sinh (ông Sinh mù) với diện tích kê đủ năm chiếc giường cho khách. Lỉnh kỉnh đồ mang về từ chợ, Eo chia sẻ với chúng tôi câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của hai vợ chồng.
|
Đám cưới của Vợ chồng Eo được tổ chức nhờ sự giúp đỡ của mọi người. |
Dù đã tổ chức đám cưới xong, nhưng Eo có lúc vẫn không tin là anh và cô gái Lường Thị Ngoai đã nên duyên vợ chồng. Bởi họ đã gặp phải nhiều sự cấm cản của gia đình Eo.
"Với tôi, mọi sự diễn ra như là một giấc mơ. Và, ai ở hoàn cảnh của chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc khó tả này. Tôi và Ngoai trân trọng từng khoảnh khắc tuyệt vời đó", Eo tâm sự.
Eo bảo, trong muôn vàn nỗi khổ, có lẽ nỗi khổ lớn nhất của con người là việc bị mất đi thị giác. Anh sinh ra ở bản Nà Ca (xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu) và Ngoai ở xã Chiềng Ngàm (huyện Thuận Châu). Họ đều là người dân tộc Thái.
Từ lúc sinh ra, anh đã không thể nhìn những cảnh vật tươi đẹp trong những bài dân ca mà các cô gái Thái ở bản hát, mỗi dịp xuân về, có màu sắc ra sao. Trong ký ức của Eo, những con đường gồ ghề, khó đi, Eo chỉ có thể biết bằng những lần đi vấp, ngã.
Ở bản của Eo và Ngoai, cuộc sống dân bản còn nghèo lắm, "cái bụng" còn chưa đủ no, dân bản chỉ biết lên rẫy trồng ngô, trồng lúa. Người mắt sáng đã khổ, huống hồ người không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng, thì... càng khổ hơn.
Nhà Eo có sáu anh, chị, em, những tưởng là con út, Eo sướng hơn anh chị em, nhưng từ lúc sinh ra, anh đã không thể tự đi lại bình thường như bạn bè, cũng không thể biết cái nương, cái rẫy như thế nào? Từ bé, Eo không có bạn chơi cùng, dân bản bảo Eo bị "con ma nó làm" nên cái mắt không nhìn thấy. Eo lớn lên trong sự cô đơn và xa lánh của mọi người.
Năm 2010, một thầy giáo đến dạy chữ ở bản biết hoàn cảnh của Eo đã động viên gia đình cho Eo xuống TP. Sơn La học mát-xa, tẩm quất.
Người cô ruột của Eo hiểu rõ tình cảnh của cháu cũng động viên cháu học nghề của ông Sinh "mù" (tên thân tình mọi người thường gọi Chủ tịch hội Người mù tỉnh). Eo kể, những ngày đầu mới xuống thành phố, anh gặp vô vàn khó khăn. Không thể tự đi lại, không có tiền trong túi, anh chỉ biết "ăn chịu" và hẹn đến khi có lương thì trừ nợ.
Câu chuyện của Ngoai cũng không kém phần bất hạnh. Là con cả trong gia đình có tới sáu anh chị em, từ bé đôi mắt của Ngoai đã không thể nhìn rõ mọi vật. Cô chỉ có thể phụ giúp gia đình những công việc lặt vặt như: Giặt giũ quần áo, quét nhà, trông em nhưng để làm được những việc tưởng chừng đơn giản đó, Ngoai cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoai kể: "ở bản, người ta bảo tôi bị mù sẽ ế. Tôi và gia đình chưa bao giờ nghĩ, một cô gái mù có thể lấy chồng. Tôi muốn học một nghề để có thể tự nuôi sống mình. Rồi một lần, tôi được cán bộ Sáng (người mắt sáng) của hội Người mù đến nhà, vận động gia đình cho tôi tham gia học tại lớp nâng cao kỹ năng sống cho người mù. Đây là lần đầu tiên tôi được ra khỏi bản của người Thái. Những tưởng, cuộc đời của tôi chỉ có thể gắn với những vị khách ở cửa hàng. Thế nhưng, định mệnh đã khiến tôi gặp Eo, một chàng trai cùng tình cảnh khiếm thị. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ "yêu" giọng nói mỗi ngày của nhau ở lớp học chữ braile (chữ dành cho người khiếm thị hay còn gọi là chữ nổi)".
|
Mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng Eo và Ngoai đều trân trọng từng giây phút sống bên nhau sau bao khó khăn. |
“Vượt bão”
Lần đầu tiên nghe giọng nói của Ngoai, chàng trai người Thái, Lò Duy Eo đã phải lòng cô gái Lường Thị Ngoai, để rồi hàng đêm, Eo nhớ thương cô gái ấy. Hình ảnh của Ngoai trong trái tim Eo chỉ là mường tượng qua giọng nói, tiếng cười vô tư của cô gái trẻ.
Eo bảo, con chim nó còn có đôi, con thú sống có bầy, con người cũng cần tổ ẩm. Từ lúc nào không biết, Eo khao khát có cuộc sống gia đình riêng với Ngoai. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, Eo quyết định cùng Ngoai xây dựng gia đình.
Khi Eo đặt vấn đề kết hôn, gia đình anh phản đối kịch liệt. Họ cho rằng, một người mù đã là bất hạnh, huống hồ cả hai vợ chồng cùng không nhìn thấy gì thì bất hạnh sẽ gấp bội.
"Lúc đầu, bố tôi cũng phản đối, tôi thuyết phục nhiều lần, bố đã đồng ý. Tuy nhiên, mẹ và anh trai thì nhất mực không chấp nhận. Mẹ tôi không cho mang lễ vật sang nhà gái. Với con gái Thái nếu trong lễ ăn hỏi không có hai con gà (một trống, một mái), hai chai rượu, một ít gạo nếp, gạo tẻ thì người con trai không thể qua lại với người con gái. Đến giờ, mẹ tôi và anh trai vẫn phản đối, dù đám cưới đã diễn ra được hai tuần", anh Eo tâm sự.
Sau một năm quen biết và yêu thương nhau, sau bao lần thuyết phục mẹ và anh trai không thành, Eo vẫn quyết tâm "đến" với Ngoai.
Eo bảo: "Có lúc, tôi cũng tuyệt vọng vì hoàn cảnh bản thân và sự cấm cản của gia đình. Thậm chí, gia đình tôi còn bảo "con Ngoai nó làm bùa cho màỵ si mê nó mà quên lối về". Nhiều lúc, chúng tôi rơi vào tuyệt vọng nhưng "cái bụng đã yêu", đã thương nhau rồi mình cố gắng, quyết tâm vượt qua tất cả để cùng nhau xây dựng gia đình".
Gia đình Eo không đồng ý cho cưới, hai vợ chồng cũng chỉ nghĩ sẽ đi đăng ký kết hôn và sống hạnh phúc để minh chứng tình yêu thật lòng của mình. Biết được tình cảm và hoàn cảnh của hai bạn trẻ, hội Người mù đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền để họ tổ chức đám cưới.
Nhờ sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân cùng các đơn vị, tổ chức, lần đầu tiên một đám cưới của hai người khiếm thị được tổ chức tại trung tâm phố núi Sơn La vào ngày 30/3/2014 vừa qua. Đám cưới được tổ chức hoàn toàn bằng tiền ủng hộ và sự giúp đỡ của hội Người mù, các đoàn viên thanh niên các chi đoàn trong tỉnh.
Sau đám cưới, Eo và Ngoai được các nhà hảo tâm giúp đỡ một khoản tiền nhỏ làm vốn xây dựng gia đình. Hiện nay, thu nhập của vợ chồng Eo - Ngoai mỗi tháng cũng được khoảng gần ba triệu đồng. Số tiền đó, dù ít ỏi nhưng cũng giúp vợ chồng Eo duy trì cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng phía trước.
Eo chia sẻ: "Tuy vợ chồng tôi không còn đôi mắt, nhưng "cái bụng" hai đứa thương nhau, cái chân, cái tay cả hai còn khỏe. Vợ chồng tôi đều biết mát-xa và đang có việc để làm. Chúng tôi sẽ chăm chỉ làm việc, tiết kiệm để lo cho gia đình. Tôi tin, với sự giúp đỡ của mọi người, vợ chồng tôi sẽ vượt qua khó khăn để xây dựng hạnh phúc lâu bền".
Theo thông tin chúng tôi được biết, số tiền tổ chức đám cưới của Eo và Ngoai là khoảng 50 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này hoàn toàn được quyên góp bằng sự giúp đỡ của thành viên hội Người mù, các Mạnh Thường Quân.