Theo báo Pháp luật Việt Nam, ngày 5/3, TAND TP.Hà Nội đưa bị cáo Tống Anh San (SN 1979, ở Hà Đông, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 10 người phụ nữ bị San lừa tình, tiền.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi ly hôn vợ, Tống Anh San đăng ký kết hôn với người phụ nữ hơn mình 1 tuổi vào đầu năm 2014. Dù mới cưới vợ hai song chưa đầy 1 năm sau ngày cưới, Tống Anh San đã lên mạng xã hội “ehenho.com”, “henho.top” kết bạn, tán tỉnh các phụ nữ chưa có chồng hoặc đã ly hôn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Bị cáo Tống Anh San tại toà. Ảnh: VietNamNet
Trên các trang mạng xã hội này, San đăng tin: “Rất vui nếu được biết em. Anh sinh năm 1979, đang làm việc ở Tập đoàn điện lực Việt Nam. Nếu được và em thấy phù hợp thì để lại số điện thoại, anh gọi và nhắn tin, ta nói chuyện để biết về nhau. Hi vọng có được cơ hội đến bên em…”. Ngoài ra, căn cứ vào tuổi của những phụ nữ đăng trên tài khoản của họ, San thay đổi năm sinh của mình để dễ dàng tiếp cận.
Khi gặp gỡ nói chuyện, San nói dối là chưa kết hôn, đang làm ở Tập đoàn điện lực Việt Nam, nhà ở Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội; San kinh doanh nhận lắp đặt điện, điện lạnh, có công ty kinh doanh điện tử.
Để cho “chị em” thương cảm hoàn cảnh của mình, San còn nói bản thân chỉ là con nuôi, bị bố mẹ đẻ bỏ rơi từ nhỏ, gia đình bố mẹ hiện tại ở Thanh Hóa là gia đình bố mẹ nuôi; từ nhỏ phấn đấu học hành, đi làm hỗ trợ nuôi các anh chị nên tuy nhiều tuổi vẫn chưa lập gia đình, mong muốn làm quen tìm hiểu nghiêm túc để nhanh chóng lập gia đình.
Đối với những người phụ nữ bỏ chồng, chồng chết, đang nuôi con, San nói bản thân San là trẻ mồ côi nên rất quý trẻ; bố mẹ của San rất ủng hộ San lấy vợ, nếu đồng ý thì đưa các con riêng của họ về quê Thanh Hóa để ông bà nuôi hộ, cho 2 vợ chồng trẻ có điều kiện làm ăn tại Hà Nội.
Nhờ những chiêu bài trên, San đã lấy lòng, khiến những người phụ nữ mới quen nhanh chóng nảy sinh tình cảm nam nữ với San và đồng ý quan hệ tình dục. Sau đó, San nói dối công ty của San đang có lô hàng điện tử nhập về bị lực lượng Hải quan cửa khẩu thu giữ ở Đà Nẵng, cần tiền để lấy lô hàng ra. San hỏi vay tiền của các bị hại hoặc nhờ bị hại đi vay lãi hộ. Ngoài ra, San còn nói dối rằng bản thân San có thể nhờ người xin chuyển công tác cho bị hại từ tỉnh khác về Hà Nội, để sau khi lập gia đình, hai người không ở xa nhau.
Do tin tưởng San, nhiều người phụ nữ đã đưa tiền mặt hoặc vay mượn của người khác để đưa cho San. San lấy lý do không biết dùng thẻ ngân hàng, không có số tài khoản để họ đưa tiền mặt. Do đang quan hệ tình cảm với San nên các bị hại đều không yêu cầu San phải viết giấy tờ gì.
Khi thấy bị hại không thể đáp ứng đưa tiền cho mình được nữa, San lấy lý do gặp khó khăn để chia tay, trốn tránh việc trả tiền.
Bằng thủ đoạn nêu trên từ tháng 6/2015 đến tháng 4/2020, San đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 10 người phụ nữ tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Có mặt tại phiên tòa, bố bị cáo thay bị cáo nói lời xin lỗi những người phụ nữ đã bị con mình lừa đảo. Trước khi phiên tòa diễn ra, bố bị cáo đã vay mượn được số tiền hơn 1 tỷ đồng để khắc phục cho các bị hại.
HĐXX xử khẳng định, hành vi của bị cáo San là rất nguy hiểm cho xã hội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội. Ngoài tuyên phạt bị cáo San 13 năm tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải bồi thường số tiền còn chiếm đoạt cho các bị hại theo quy định của pháp luật, báo CAND thông tin.
Thục Hiền (T/h)