Thấy cảnh sát cơ động, người đi xe máy vội vứt gói ma túy xuống đường rồi bỏ chạy. Anh ta gọi khoảng 30 người thân, hàng xóm ra uy hiếp lực lượng làm nhiệm vụ.
Cận Tết, 4 chiến sĩ của Đại đội 3 (Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an Hà Nội) được trang bị súng AK, công cụ hỗ trợ đi trên hai xe máy đặc chủng hòa vào dòng người trên đường phố để bắt đầu ca tuần tra như thường lệ.
Trung úy Vũ Văn Thường, Phó trung đội trưởng chỉ huy một tổ công tác, làm nhiệm vụ trên các tuyến đường thuộc quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm.
Hơn 90 lần giáp mặt tội phạm ma túy
Là cảnh sát cơ động, trung úy 26 tuổi cùng đồng đội luôn phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau hai năm tuần tra đường phố, anh đã hơn 90 lần phát giác người đi đường mang theo ma túy.
Nam cảnh sát có nước da ngăm đen, thân hình rắn chắc kể, đêm rằm Trung thu 2014, khi tuần tra gần vườn đào ven đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), tổ do anh chỉ huy thấy người đàn ông ngoài 50 tuổi ngồi trên vỉa hè đang run lẩy bẩy, tay ông ta liên tục cào vào trụ cáp điện.
Nghi người này trộm dây cáp, anh Thường cùng đồng đội dừng xe yêu cầu kiểm tra hành chính. Thấy cảnh sát, người đàn ông gầy gò che miệng ngáp, nói: “Em có gì đâu mà các anh khám xét”.
Trung úy Vũ Văn Thường trong một đợt huấn luyện. Ảnh: NVCC |
Nhận thấy đây là biểu hiện của người nghiện ma túy, trung úy Thường tiếp tục cho kiểm tra. Trong chiếc loa treo trước xe máy của người đàn ông, các chiến sĩ tìm thấy 3 cục bột trắng.
“Lần đầu tiên nhìn thấy chất bột, tôi không biết đó là heroin. Tôi lớn tiếng hỏi nghi phạm “đây là gì” thì ông ta run rẩy tự khai tàng trữ chất cấm”, trung úy Thường nhớ lại.
Mỗi cung đường tuần đêm, tổ cảnh sát cơ động của Đại đội 3 gặp không ít tình huống bị uy hiếp. Đêm trung tuần tháng 1/2016, Thường phát hiện người đàn ông xăm trổ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên phố Trúc Bạch (quận Tây Hồ) nên ra hiệu dừng xe.
Gặp cảnh sát, anh ta vứt vội gói nylon xuống đường rồi toan đi vào nhà cách đó vài mét. Nghi người này ném gói hàng cấm, tổ tuần tra yêu cầu ông ta nhặt lên để kiểm tra.
Viên cảnh sát cho biết do gần nhà nên người đàn ông hô lớn, tố lực lượng chức năng giữ người trái phép. Vài phút sau, có hơn 20 người thân và hàng xóm ông này vây kín 4 cảnh sát. Sau khi gọi lực lượng tăng cường, Thường đề nghị người đàn ông mang tang vật về Công an phường Trúc Bạch.
Khi chiếc taxi đỗ sát hiện trường để đưa nghi phạm đi, hàng chục người lập tức uy hiếp tài xế, chặn đầu xe. Lúc này, 2 tổ cảnh sát sử dụng 4 xe máy đặc chủng áp tải ôtô, đưa được nghi phạm về trụ sở công an.
“Trong tình huống bị đám đông bao vây, tôi phải tạm còng tay nghi phạm vào tay của mình để tránh người thân giật ra”, Thường nhớ lại vụ việc.
Ngoài công cụ hỗ trợ, tổ tuần tra CSCĐ được trang bị súng AK. |
Phút đấu trí với kẻ mang lệnh truy nã
Nhiều lần xử lý tình huống khéo léo khi đối mặt nghi phạm, viên trung úy nhớ nhất lần tình cờ giáp mặt kẻ có 8 tiền án, mang lệnh truy nã.
Rạng sáng 1/3/2016, tuần tra trên đường Yên Phụ (quận Tây Hồ), tổ công tác thấy đôi nam đi xe tay ga không đội mũ bảo hiểm nên áp sát. Ngoái thấy cảnh sát, người đàn ông cầm lái tăng ga bỏ đi. Nghi ông ta mang hàng cấm nên 4 chiến sĩ bám theo.
Chạy gần một km, ông ta bỏ lại cô gái ngồi sau cùng chiếc xe rồi chạy bộ vào ngõ ven đường An Dương Vương. Trung úy Thường nhanh chóng xuống xe, truy đuổi. Bị người làm nhiệm vụ áp sát, người đàn ông nhặt gạch ném về phía cảnh sát.
Né được cú ném, anh Thường tìm cách tiếp cận người đàn ông. Tuy nhiên, người này cầm gạch uy hiếp, dọa tấn công những ai đến gần.
Hơn chục phút thương thuyết bất thành, viên trung úy cảnh sát xịt hơi cay để áp sát rồi đá văng viên gạch trên tay nghi phạm. Trong túi quần ông ta, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện cần sa, vam phá khóa xe máy và 8 viên thuốc lắc.
Tại trụ sở công an, nghi phạm 48 tuổi khai có 8 tiền án, đang trốn truy nã.
Lời chia sẻ trước khi chuông báo lệnh tập trung
Những ngày giáp Tết, Thường cùng chiến sĩ trung đoàn căng mình bảo vệ an ninh trật tự ở thủ đô. Đêm xuống, họ tuần tra phòng chống tội phạm đường phố, ngăn các nhóm tụ tập đua xe trái phép.
Nhiều năm liên tiếp đón Tết xa nhà, chàng trai quê ngoại thành Hà Nội bảo bố anh mất vài năm trước, ở nhà chỉ còn người mẹ gần 60 tuổi.
“Trước Tết, tôi thường xin nghỉ phép một ngày để về giúp mẹ sắm Tết và dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, sau đó trở lại đơn vị để làm nhiệm vụ”, Thường chia sẻ trước khi tiếng chuông báo lệnh tập trung vang lên, chuẩn bị ca tuần tra như thường lệ.