(ĐSPL) – Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề với tổng lượng nước thải làng nghề phát sinh khoảng 156.000/m3/ngày đêm, Tổng Cục môi trường Việt Nam cho biết.
Theo Bộ Công thương, ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng tăng theo quy mô sản xuất. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các làng nghề cho thấy, 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Nhiều làng nghề vẫn còn tình trạng đổ chất thải không đúng nơi quy định. Ảnh minh họa. |
Tại huyện Thường Tín, tổng khối lượng chất thải rắn khoảng 40 tấn/ngày, nước thải 600m3/ngày. Một số cụm, điểm công nghiệp vẫn còn tình trạng đổ chất thải không đúng nơi quy định.
Ở huyện Hoài Đức, nước thải các làng nghề có nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp nhiều lần.
Với huyện Đông Anh, việc sản xuất tập trung nhiều nhất tại 2 xã Vân Hà và Liên Hà. Trong đó: Xã Vân Hà có dân số hiện tại khoảng là 10.000 người, số hộ gia đình khoảng 2.600 hộ, số hộ sản xuất nghề thủ công khoảng 80% chia thành 5 thôn, hoạt động sản xuất chính của các làng nghề xã Vân Hà là sản xuất đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ; kinh doanh các sản phẩm gỗ và sản xuất nông nghiệp.
Xã Liên Hà có dân số khoảng 17.000 người số hộ gia đình khoảng 4.000 hộ, số hộ sản xuất nghề thủ công khoảng 50% tương đương với 2.000 hộ chia ra cho 7 thôn, hoạt động sản xuất gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ, gỗ phun sơn.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình xã Vân Hà, Liên Hà là hoạt động gắn liền với sinh hoạt trong khi việc sản xuất gỗ luôn làm phát sinh bụi và chất thải rắn (mùn cưa, phoi bào, bụi sơn...) nên đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng chính đến các hộ gia trực tiếp sản xuất.
Nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm môi trường làng nghề, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, UBNDTP Hà Nội đã đề xuất các nhóm giải pháp. Cụ thể: tăng cường thanh kiểm tra, ngăn chặn giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; chú trọng nguồn lực bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải đồng bộ; kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý môi trường tại các cấp, các ngành, phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 2 cán bộ chuyên trách về môi trường tại cấp huyện.