Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 27 tuổi bị mù 1 bên mắt do tiêm filler làm đầy mũi. Thực tế cho thấy, đây không phải là trường hợp hiếm gặp.
Theo thông tin trên báo chí, một nữ bệnh nhân giấu tên cho biết, cô đã thực hiện tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ tại Đài Loan (Trung Quốc) bằng phương pháp tạo hình mũi. Sau khi tiêm xong, cô gái bắt đầu cảm thấy đau nửa đầu bên phải và mất thị lực ở mắt phải.
Trước tình trạng diễn biến xấu, nhưng do chủ quan nên cô không đi khám ngay. Trở về Việt Nam sau 7 ngày tiêm, các triệu chứng trên không chấm dứt mà còn có biểu hiện nặng hơn. Lúc này cô mới quyết định tìm đến bác sĩ để kiểm tra thì đã quá muộn.
Chia sẻ với báo giới, Ts.Bs Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân này được điều trị theo đúng phác đồ xử lý tắc động mạch mắt. Tuy nhiên do bệnh nhân chữa trị quá muộn nên khả năng cao sẽ phải loại bỏ mắt bị hỏng.
Khuôn mặt của cô gái bị sưng, biến dạn sau khi tiêm filler. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo bác sĩ Hà, vùng mũi có rất nhiều mạch máu, nếu tiêm không đúng, filler theo mạch máu ở vùng mũi đến mạch máu võng mạc của mắt làm tắc mạch gây mù mắt. Với những biến chứng ở mắt do tiêm filler, việc cứu chữa mắt khỏi mù hoặc trở lại như bình thường cho bệnh nhân là hầu như không thể, nhất là khi filler "chạy" vào mạch máu trung tâm của võng mạc. Quá trình này diễn ra rất nhanh sau tiêm đi kèm triệu chứng đau nhức mắt, choáng váng... Nếu tiêm filler bởi những người không được đào tạo, không có chuyên môn mà chỉ học sơ qua sẽ rất nguy hiểm, dễ gây biến chứng, nhất là mù mắt.
Tiêm filler là một cách làm đẹp được nhiều phụ nữ ưa chuộng do hiệu quả nhanh và dễ thực hiện. Filler (hay chất làm đầy) có chứa acid hyaluronic (HA) được nhắc đến nhiều nhất do tính hiệu quả với độ an toàn cao, tương thích với cơ thể. Khi tiêm vào các nếp nhăn sẽ khiến làn da nhanh chóng trở nên căng bóng, hoặc tạo hình khối thẩm mỹ ưng ý trên gương mặt mà không cần sử dụng đến dao kéo.
Hiện nay có một số sản phẩm đã được cấp phép đảm bảo tính hiệu quả và an toàn tuy nhiên có rất nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, nhất là tại các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép. Dù được quảng cáo là phương pháp làm đẹp đơn giản, không xâm lấn, không đau nhưng nếu không được các bác sĩ có uy tín thực hiện, thủ thuật này có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Các biến chứng hay gặp nhất khi tiêm filler là nhiễm trùng, vón cục, hoại tử, thuyên thắc phổi, mạch, mù mắt do tiêm không đúng kỹ thuật, tiêm trúng vào mạch máu...
Trước đó, không ít chị em đã gặp họa khi làm đẹp không đúng cách. Đó là trường hợp cô gái trẻ ở TP.HCM hoại tử da sau nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ "chui", phải đến bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) cấp cứu.
Cô sinh viên T.N.T. (19 tuổi, ngụ Quận 2) được bạn giới thiệu đến cơ sở thẩm mỹ tại một chung cư ở quận 4 để nâng mũi. Sau khi thỏa thuận, chủ cơ sở đã tiêm 1,5ml chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào vùng da trên mũi với giá 2,3 triệu đồng. Sau đó, chị T. cảm thấy đau nhức, nóng rát vùng mũi và da xung quanh mắt phải. Cơn đau kéo dài đến 3 ngày thì vùng sưng đau chuyển sang bầm tím khiến chị T. phải đến bệnh viện kiểm tra.
Theo bác sĩ khoa Bỏng & Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Trưng Vương, lúc nhập viện vùng mũi chị T. gần như bị nhiễm trùng hoại tử da, phù nề mắt phải. Bác sĩ phải cắt bỏ da chết, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm đồng thời chăm sóc theo dõi vết thương để xử lý biến chứng. Sau điều trị, vết thương cơ bản đã ổn định song chị T. phải phẫu thuật tạo hình lại mũi.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cơ sở chị T. nâng mũi chỉ là một căn chung cư không đầy đủ cơ sở vật chất. Cơ sở này giống như nơi đào tạo "chui" một nhóm khoảng 30 người chuyên đi tiêm chất làm đầy.
Một trường hợp khác cũng "gặp hạn" khi làm đẹp. Bệnh nhân Đoàn Thị M. (23 tuổi, Phú Thọ) đã phải nhập viện vì bị hoại tử mũi sau khi tiêm chất làm đầy - filler nâng mũi tại một cơ sở spa ở Hà Nội.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Da liễu Trung ương, mũi bệnh nhân bị biến chứng, sưng nề tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi sau khi tiêm filler nâng mũi. Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Với trường hợp bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Thời gian qua, bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không uy tín gây biến chứng nặng nề, trong đó có biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là cằm và mũi. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm hoại tử, bệnh nhân có thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mất mũi, không thể phục hồi được. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đa số các ca biến chứng này là do chọn cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện, người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề cũng như chất tiêm không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Vũ Thái Hà khuyến cáo, chị em có mong muốn làm đẹp bằng tiêm filler nếu muốn an toàn cần phải tìm đến cơ sở có uy tín. Đặc biệt, người tiêm phải là bác sĩ có chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ da liễu và có chứng chỉ hành nghề. Ngay sau tiêm nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường cần đến bác sĩ để khám và xử lý kịp thời. |