Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo sập bẫy tội phạm vì “cho thuê tên” mở thẻ ATM

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nhận làm thẻ ATM, thuê tên người dùng để mở tài khoản, thậm chí là mua lại thẻ ATM... đang trở thành những chiêu thức được nhiều người quảng cáo, giới thiệu...

(ĐSPL) - Nhận làm thẻ ATM, thuê tên người dùng để mở tài khoản, thậm chí là mua lại thẻ ATM... đang trở thành những chiêu thức được nhiều người quảng cáo, giới thiệu. Đặc biệt, đối tượng được nhắm đến nhiều nhất là sinh viên, công nhân... khi họ có nhiều thẻ, không có tiền trong tài khoản, nhưng lại cần tiền. Thuê thẻ với hình thức bình thường nên ít ai ngờ, đằng sau đó là nhiều thủ đoạn lừa đảo.

Bí mật từ “trùm” thẻ

Vô tình PV nhận được một lời đề nghị khá hi hữu từ người tên Tuấn, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM: “Anh có thẻ ATM không xài nào bán không, giá mua là 100.000 đồng/thẻ, nếu lấy thẻ lại. Còn không thì giá sẽ cao hơn, 500.000 đồng/thẻ”. Đi vào tìm hiểu, PV biết được đó là giá cho loại thẻ bình thường. Khi đăng ký mở thẻ thì chỉ cần đăng ký dịch vụ Internet Banking là được. Còn nếu là các loại thẻ quốc tế Visa, Mastercard... thì giá tiền sẽ cao hơn, từ 500.000 đến 1 triệu đồng/thẻ. Sau khi tìm hiểu, PV ghi nhận, tình trạng này đã xảy ra một thời gian. Sau khi những đầu nậu này thu gom thẻ, sẽ bán lại cho các đối tượng có nhu cầu.

Tang vật cơ quan công an thu giữ khi khám xét tại nhà Ngoan

Để rõ hơn về tình trạng trên, PV đã thâm nhập thêm một số điểm đang làm “dịch vụ” này tại TP.HCM. Qua các thông tin, PV tiếp cận được người tên Hà, quận Bình Thạnh. Hà nói: “Hiện nay đang phải chạy doanh số cho ngân hàng nên cần nhiều người làm thẻ ATM Internet Banking, chỉ cần sinh năm từ 1996 đến 1980 là được”.

Thực tế, khi hẹn PV, Hà chọn làm việc ở một quán cà phê trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh). Tại đây, Hà yêu cầu PV khai đúng thông tin theo hướng dẫn. Rời chỗ Hà, theo thông tin từ một đầu mối khác cho PV biết, hiện đang có người thu gom thẻ và bán thẻ với số lượng lớn là Hoàng ở Phú Nhuận, PV tìm cách móc nối. Qua điện thoại, Hoàng rất dè dặt, nhưng sau khi nói có người quen giới thiệu, Hoàng trao đổi nội dung rất tự tin, nếu làm thẻ thì làm bình thường, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, PV thắc mắc làm thẻ bình thường mà mất phí từ 3 – 5 triệu đồng thì vào ngân hàng làm cho nhanh, cần gì phải hỏi mua.

Biết được ý đồ của PV, Hoàng nói: “Nếu anh mua thẻ, em sẽ để cho anh giá ưu đãi hơn bằng cách chiết khấu cao. Đây là thẻ thiệt của nhiều ngân hàng, anh muốn ngân hàng nào cũng có”. Mặc dù PV yêu cầu số lượng lớn đến 50 thẻ, Hoàng vẫn gật đầu ok và đưa ra yêu cầu: “Em sẽ để lại cho anh giá 2 triệu đồng/thẻ. Trước mắt, anh nên lấy thử 10 thẻ giao dịch trước, xem thế nào rồi lấy tiếp. Khi đó, em sẽ tính toán lại rồi chiết khấu thêm cho anh”.

Hoàng cho biết thêm: “Trường hợp, anh muốn lấy số lượng lớn là 50 thẻ thì em sẽ chiết khấu cho anh 20%. Đây là các loại thẻ quốc tế. Khi đưa thẻ, bên em sẽ cung cấp mật khẩu mới và kèm theo một thẻ sim cho anh. Có nghĩa là khi mà anh gửi tiền hay nhận tiền thì sẽ có tin nhắn báo cho anh biết ngay. Đây là số điện thoại đã cho sẵn từ trước rồi”.

Điều đáng nói, nhiều người khi làm thẻ cho các dịch vụ này xong thì chuốc ngay “tai vạ” vào mình. Chị M.C.T., ngụ quận Tân Bình kể: “Thông qua Facebook, tôi thấy có người nói muốn chạy doanh số nên kiếm người làm thẻ ATM và làm xong sẽ được trả 100.000 đồng, thẻ ATM sẽ do mình giữ. Nhân viên chỉ hẹn gặp ở quán cà phê gần ngân hàng. Khi làm thẻ, anh ấy có nhờ tôi đăng ký Internet Banking với email và số điện thoại mà anh ấy đưa, với lý do là để tiện báo cáo với ngân hàng”.

Cũng theo lời kể của chị T., sau đó mấy ngày, có người gọi điện thoại nói là có chuyển nhầm vào tài khoản gần 36 triệu đồng và nhờ chị rút ra trả lại. “Tôi có gặp anh ta nhưng trong lúc nói chuyện, tôi thấy hơi nghi ngờ vì khi hỏi về nguồn gốc số tiền này, anh ta trả lời là gửi cho một người nào đó qua chủ tài khoản là Mai Thị C.T. (tôi tên M.C.T.) để làm bàn ghế cho trường học ở Củ Chi (TP.HCM), nhưng nhầm sang tài khoản của tôi. Sau đó tôi đến ngân hàng nói thật mọi chuyện thì nhân viên ở đó cho biết, coi chừng bị lừa và không nên rút tiền đưa anh ta. Trong lúc đang làm việc với ngân hàng thì có một người khác gọi đến nói tên Hiếu, nhận là chủ số tiền đó. Hiếu cho biết đã lấy tài khoản của tôi chơi cá độ đá banh trên trang web của Mỹ và thắng nên bên đó họ gửi tiền về tài khoản nên không thể cùng tôi đến ngân hàng được vì số tiền này là do cá độ mà có”(?!).

“Thế nhưng, ngân hàng cho biết, số tiền do người trong nước gửi và gửi bằng Internet Banking. Tôi không rút tiền ra, Hiếu cứ gọi và nhắn tin tới hăm dọa, sẵn sàng cho người “xử” tôi. Sợ quá, tôi lên Công an quận Tân Bình thì được chỉ về công an phường làm việc. Tại đây, công an phường yêu cầu tôi làm tường trình sự việc. Hôm sau, Hiếu lại gọi điện và tôi nói đã trình báo công an, giờ họ làm việc với ngân hàng rồi thì anh ta không gọi điện nữa”, chị T. kể.

Đừng trở thành công cụ của tội phạm

Thực tế, nhiều đối tượng đã thu gom thẻ ATM để thực hiện các hành vi phạm pháp. Trường hợp điển hình là Phan Văn Ngoan (57 tuổi, ngụ ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã thu gom và thuê nhiều người đứng tên mở thẻ ATM. Sau đó, Ngoan gọi điện đến nhà riêng của nhiều người, khai thác thông tin rồi cho biết có người thân đang gặp hoạn nạn và cần vay số tiền lớn rồi rút ra chiếm đoạt. Trong đó, có đối tượng Trần Thị Tuyết Phong (36 tuổi, ngụ phường 6, quận 4).

Phong là một “mắt xích” quan trọng khi dùng giấy CMND rồi đến các ngân hàng làm thẻ ATM cung cấp cho Ngoan. Theo hồ sơ tại cơ quan công an, từ khoảng tháng 6/2016, Phong đã đăng ký 8 tài khoản thẻ và cung cấp cho Ngoan để lừa đảo, mỗi thẻ Ngoan trả cho Phong 2 triệu đồng tiền phí. Mặc dù biết Ngoan dùng thẻ vào mục đích phi pháp nhưng Phong vẫn tiếp tay cho đối tượng này. Cả hai đối tượng đã bị phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM bắt giữ.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hồng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay, pháp luật cấm việc chuyển nhượng, cho thuê tên để mở thẻ ATM. Khi đó, nếu có giao dịch cũng trở thành vô hiệu vì vi phạm pháp luật. Còn trong trường hợp nếu bán thẻ cho người khác và bị sử dụng vào mục đích phạm pháp chủ thẻ cũng sẽ bị xử lý rất nặng. Ít ai nghĩ rằng, vì cái lợi trước mắt mà phải gánh hậu quả khó lường. Vì khi đó, chủ thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và số tiền luân chuyển qua thẻ càng nhiều thì khung xử lý càng nặng”.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM (đề nghị giấu tên) cũng cho biết: “Việc mở thẻ, nếu chủ thẻ mang đầy đủ giấy tờ thì ngân hàng sẽ làm thẻ. Mọi thông tin liên quan đến thẻ ATM đều phải được bí mật. Khi mở tài khoản thẻ xong, ngân hàng sẽ gửi thông tin cá nhân, mật khẩu về địa chỉ email, số điện thoại đã đăng ký. Khi đó, chủ thẻ sẽ tiến hành đổi lại mật khẩu trên trang web. Nếu người thuê tài khoản biết được và thay đổi mật khẩu trên trang web thì có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc”.

Cũng theo lãnh đạo này thì đây là chiêu thức mới, do nhiều người chủ quan, họ cho rằng, việc mở thẻ mà không có tiền trong tài khoản mặt khác còn được tiền nên nghĩ là không có chuyện gì xảy ra. “Thực tế, sau khi có được tài khoản SMS Banking, Internet Banking và thẻ ATM, các đối tượng xấu có thể dùng để thực hiện các hành vi phạm pháp như chuyển tiền từ cá độ bóng đá ở nước ngoài, tống tiền hay lừa đảo... Nếu bị phát hiện thì người liên đới chịu trách nhiệm đầu tiên chính là chủ thẻ, còn các đối tượng nhờ thuê hoặc mua lại thì đã biến mất. Thực tế, ngân hàng đã từng phối hợp với công an để xử lý các vụ việc như vậy rồi”, vị này nói.

Thẻ ATM thành công cụ để lừa đảo Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ phòng PC46, Công an TP.HCM thông tin: “Các hành vi phạm pháp trong thời gian qua là dùng website giả mạo nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đóng phí vận chuyển quà tặng, phí tổ chức trao thưởng, hoặc giả danh cảnh sát yêu cầu chủ thẻ phải chuyển tiền vào tài khoản để điều tra… song thực tế là chuyển vào các tài khoản ATM mà các đối tượng đó đã mua lại nhưng nạn nhân vẫn nghĩ rằng đang chuyển tiền cho cơ quan chức năng để làm việc. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, phát hiện một số trường hợp như thế. Khi đó, thẻ ATM được các đối tượng này dùng làm công cụ để thực hiện trót lọt các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Điều 30. Các hành vi bị nghiêm cấm (Quyết định Số: 20/2007/QĐ-NHNN ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng)

1. Làm, sử dụng, chuyển nhượng và lưu trữ thẻ giả;

2. Chủ thẻ chuyển nhượng thẻ cho người khác (trừ trường hợp đối với thẻ trả trước vô danh);

3. Sử dụng trái phép thẻ không phải do TCPHT phát hành cho chính mình;

4. Khai báo sai thông tin cá nhân, tổ chức hoặc giả mạo giấy tờ khi lập hồ sơ đề nghị sử dụng thẻ hoặc trong quá trình sử dụng thẻ;

5. Sử dụng thẻ đã được thông báo không được phép lưu hành;

6. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập trái phép vào chương trình hoặc cơ sở dữ liệu của hệ thống phát hành, thanh toán thẻ, thanh toán bù trừ giao dịch thẻ;

7. Thực hiện các giao dịch giả mạo;

8. Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin trên thẻ.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

Thanh Tùng

Video xem nhiều nhất: [mecloud]cvqFF7WVL2[/mecloud]

Tin nổi bật