Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo hàng loạt vụ cháy lớn liên tục xảy ra ở các quán karaoke

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều vụ cháy lớn xảy ra ở các quán karaoke khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ.

(ĐSPL) - Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều vụ cháy lớn xảy ra ở các quán karaoke khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ. Điều này cũng đặt ra cảnh báo về việc cần thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.

Khoảng 13h30 ngày 1/11, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 68, trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. 

[mecloud]ElmwvL9I0V[/mecloud]

Theo báo Tiền Phong, ngọn lửa đã lan nhanh ra những ngôi nhà xung quanh cũng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, do phía trước là các biển quảng cáo liền kề nhau.

Ghi nhận ban đầu tại hiện trường, nhiều xe hơi và xe máy bị thiêu trơ khung. Đến 15h16 cùng ngày, từ quán karaoke số 68 phát ra nhiều tiếng nổ lớn. Lực lượng chức năng đưa người dân hiếu kỳ trong khu vực ra xa hơn để tránh bị ảnh hưởng bởi các mảnh kính vỡ văng ra.

Sau vụ cháy, mặt tiền của 4 ngôi nhà đường Trần Thái Tông cháy trơ khung, ám đầy muội đen. 

Đến 19h30 ngày 1/11, khói vẫn bốc lên cao từ bên trong tòa nhà. Công tác dập lửa và cứu hộ được lực lượng chức năng triển khai khẩn trương. Phải đến hơn 21h cùng ngày, lực lượng chức năng mới đưa được các thi thể ra ngoài và đưa đến nhà tang lễ Cầu Giấy, Hà Nội. 

Trước đó, vào ngày 17/9, một vụ cháy lớn xảy ra tại một quán karaoke 8 tầng ở số 83 trên phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy (Hà Nội) khiến nhiều khách hàng và nhân viên hoảng loạn tháo chạy.

Báo VnExpress đưa tin, khoảng 18h ngày 17/9, lửa xuất phát từ biển quảng cáo trên tầng 2, sau đó lan rộng 8 tầng quán karaoke. Do các phòng hát chứa nhiều thiết bị dễ cháy nên lửa lan ra rất mạnh, bén sang cả đường dây điện chạy phía trước.

Khoảng 20h15, lực lượng chức năng đưa vòi phun nước vào khu vực trung tâm đám cháy và khống chế, không để cháy lan. Tuy nhiên, sau đó ít phút, lửa bùng phát trở lại tại một số phòng ở tầng 2. Đến 21h10, ngọn lửa cơ bản được dập tắt.

Theo cơ quan chức năng, quán karaoke chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy và từng bị kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần song vẫn vi phạm.

Kết quả khám nghiệm của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân vụ cháy tại quán karaoke 8 tầng trên phố Nguyễn Khang là do chập điện tại hệ thống đèn led quảng cáo phía mặt tiền của quán, sau đó cháy lan vào toàn bộ ngôi nhà. 

Cháy quán karaoke tại số 85, Nguyễn Khang, Hà Nội. Ảnh: VnExpress.

Một trường hợp tương tự xảy ra hồi 14h ngày 12/10 tại quán karaoke Cosy (Tiền Giang). Gần như toàn bộ phòng ốc của quán karaoke này bị cháy rụi.

Theo tin trên báo Tuổi trẻ, đây là một trong ba quán karaoke lớn nhất trên đường Lê Văn Phẩm, TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Trong khoảng thời gian trên, nhiều người nghe một tiếng nổ từ bên trong quán karaoke, sau đó thấy khói đen bốc lên ngùn ngụt.

Khoảng 15 phút sau, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh đã điều 8 xe chữa cháy và hàng trăm chiến sĩ đến dập lửa. Rất may, vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.

Đặc điểm chung của các cơ sở kinh doanh karaoke đều là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy. Chưa kể có nơi còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang để cứu nạn và chữa cháy.

Do tận dụng tối đa diện tích sàn cho kinh doanh nên các cầu thang bộ, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn.

Thậm chí có cơ sở chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn hở bên trong nhà, không có lối ra mái, vì vậy khi có sự cố tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh không được đấu nối chắc chắn, gọn gàng, không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện. Chính vì vậy, nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện của các cơ sở này là rất cao.

Lý giải về nguyên nhân dễ xảy ra hỏa hoạn tại các quán karaoke trên báo An ninh Thủ đô, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Số 2 thuộc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội chỉ ra rằng: “Việc tập trung đông người đã là nguy cơ, mặt khác với việc khách hàng sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá trong môi trường âm thanh lớn, ánh đèn mờ ảo thì nguy cơ càng lớn. Trong không gian đó, khách hàng thường thiếu tỉnh táo, cộng với sự bốc đồng do bia rượu thì ít ai để ý đến  an toàn. Chỉ cần một người vô tình hút thuốc lá gạt tàn hoặc đánh rơi đầu mẩu đang cháy vào các vật liệu dễ bắt lửa thì hỏa hoạn xảy ra là điều khó tránh khỏi”.

Có thể nói, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguy cơ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke là rất lớn. Điều này đặt ra cảnh báo về việc cần thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh.

Hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke được quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BCA

Điều 8. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy

Chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke thực hiện việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý, cụ thể như sau:

1. Trang bị phương tiện chữa cháy

Cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke trang bị bình bột chữa cháy xách tay loại có khối lượng chất bột chữa cháy ABC bằng hoặc lớn hơn 4kg, hoặc bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại có khối lượng chất chữa cháy bằng hoặc lớn hơn 5kg, bảo đảm 01 bình/50 m2 và bán kính bảo vệ của một bình nhỏ hơn hoặc bằng 15 m.

2. Trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, cụ thể:

a) Trang bị hệ thống báo cháy tự động đối với cơ sở có diện tích sử dụng từ 200 m2 hoặc khối tích từ 1000 m3 trở lên.

b) Trang bị hệ thống chữa cháy tự động đối với:

- Cơ sở khung thép mái tôn có diện tích từ 1200 m2 trở lên;

- Cơ sở có 01 hoặc 02 tầng có diện tích từ 3500 m2 trở lên;

- Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên.

c) Trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà đối với cơ sở có khối tích từ 5.000 m3 trở lên hoặc cơ sở thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động.

3. Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí cạnh lối ra, vào, trên chiếu nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang hoặc những nơi dễ thấy, dễ sử dụng. Riêng hệ thống chuông báo cháy hoặc hệ thống phát thanh báo cháy được trang bị tới từng phòng của cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy được kiểm tra chất lượng theo định kỳ cho từng loại.

4. Tiêu chuẩn, chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hiện hành (TCVN 7062: (ISO 7165), chữa cháy - Bình chữa cháy xách tay - Đặc tính và cấu tạo; TCVN 7027: (ISO 11601), chữa cháy - Xe đẩy chữa cháy - Đặc tính và cấu tạo; TCVN 5738: Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 7336: Phòng cháy chữa cháy - Hệ thống sprinkler tự động - Yêu cầu thiết kế và lắp đặt; TCVN 3890: ).

Điều 9. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy

1. Chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tự tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

2. Chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke chấp hành việc kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền; cụ thể:

a) Xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

b) Tham gia đoàn kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở do mình quản lý khi có yêu cầu.

c) Tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 10. Tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở tại cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke

Tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở tại cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

Điều 11. Bảo đảm chữa cháy và cứu nạn khi xảy ra cháy

1. Khi xảy ra cháy, người phát hiện thấy cháy bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết, cho một hoặc tất cả các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

2. Chủ cơ sở hoặc người được giao quản lý cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý để dập tắt đám cháy và thực hiện các quy định sau đây:

a) Tập trung cứu người, cứu tải sản và ngăn chặn cháy lan.

b) Tổ chức bảo vệ tài sản, hàng hóa tại khu vực cháy.

c) Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy (nếu có).

d) Tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy, cung cấp thông tin có liên quan về vụ cháy cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

BẢO KHÁNH (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]VKmDnVbRGx[/mecloud]

Tin nổi bật