Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh trên quy mô lớn, cả tấn công trên bộ và không kích. Các quan chức Nga cáo buộc Ukraine tấn công thành phố Belgorod (Nga) hôm 30/12/2023, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đây được cho là động thái đáp trả của Ukraine sau cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga vào các thành phố của Ukraine một ngày trước đó.
Tuy nhiên, các chiến thuật du kích, bao gồm phá hoại, đột kích, ám sát có chủ đích, làm nổ tung các kho đạn dược, đường ống dẫn dầu và đường sắt, ngày càng trở nên quan trọng hơn khi cả hai bên đều không đạt được những bước tiến đáng kể trên mặt trận.
New York Times đưa tin ngày 29/11/2023, các đối tượng phá hoại đã đặt 4 khối chất nổ lên một đoàn tàu chở nhiên liệu diesel và máy bay phản lực của Nga, các biên giới Ukraine khoảng 4.828km.
Các quan chức tình báo Ukraine cho hay, quan trọng hơn việc phá hủy đoàn tàu là thời điểm xảy ra vụ nổ. Các đối tượng này muốn đoàn tàu phát nổ khi 50 toa tàu di chuyển qua đường hầm dài khoảng 14,4km xuyên qua dãy núi Severomuysky. Được biết, đây là hầm đường sắt dài nhất của Nga.
Xe bọc thép của Nga được chất lên các toa tàu gần biên giới Nga-Ukraine. Ảnh: AP
Ukraine hy vọng có thể phá hủy một tuyến đường quan trọng mà Kiev cho là được sử dụng để vận chuyển vũ khí từ Triều Tiên đến Nga, vào thời điểm các lực lượng Ukraine trên chiến trường đang vật lộn nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga, theo New York Times.
Tàu hỏa có thể được thay thế và đường ray được sửa chữa một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng đối với đường hầm vốn phải mất hàng thập kỷ để xây dựng này có thể không dễ khắc phục.
Vào 17h20 ngày 29/11/2023, một ngọn lửa đã “xé toạc” đường hầm. Truyền thông Nga chiếu hình ảnh đám lửa cháy xung quanh lối vào đường hầm, trong khi các quan chức cho biết vụ nổ do “một thiết bị nổ không xác định” gây ra.
Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại của vụ nổ nói trên. Mỗi bên lại đưa ra những đánh giá khác nhau về tác động của vụ việc. Vụ nổ thứ hai xảy ra trên đường ray thay thế gần đó trong vòng 48 giờ.
Kết hợp với các hành động phá hoại khác trên lãnh thổ Nga và đằng sau phòng tuyến của Nga ở Ukraine, các vụ nổ báo nhằm vào tuyến đường sắt báo hiệu Kiev sử dụng các chiến thuật bất thường ngày càng nhiều để hỗ trợ các lực lượng thông thường phòng thủ trước các cuộc tấn công tăng cường của Nga.
“Cuộc xung đột ở Ukraine hiện đang thay đổi khi Kiev tăng số lượng các hoạt động du kích chống lại lực lượng Nga, đồng thời giảm các hoạt động tác chiến thông thường”, ông Seth G. Jones - nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, từng là cố vấn cho tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc nhiệm của Mỹ tại Afghanistan, cho biết.
Với dân số nhiều gấp 3 lần Ukraine và sở hữu tổ hợp công nghiệp quân sự lớn hơn nhiều, Nga hiện đang có lợi thế trong các hoạt động tác chiến thông thường, nhất là khi đang xuất hiện hoài nghi về sự hỗ trợ quân sự lâu dài của phương Tây dành cho Ukraine.
Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine - đơn vị được quân đội Ukraine thành lập để huấn luyện và điều phối các mạng lưới du kích ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, thông tin trong tháng 12/2023 rằng, Nga đang huy động ngày càng nhiều lực lượng tinh nhuệ nhằm xóa sổ các nhóm phá hoại ngầm.
Bất chấp sự cảnh giác cao độ, các du kích Ukraine cho hay họ đã cho nổ tung một đoàn tàu chở hàng vào 15/12/2023, khi phương tiện này đang vận chuyển đạn dược và nhiên liệu từ bán đảo Crimea đến Melitopol ở miền Nam Ukraine.
Các cuộc tấn công trước đó nhằm vào các tuyến đường sắt bên ngoài dãy núi Ural, vốn là một rào cản tự nhiên giữ an toàn cho các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Nga, cho thấy phần nào chiến thuật du kích của Kiev và cách chúng có thể gây ra những tác động to lớn.
Các quan chức Ukraine thường ít khi lên tiếng về các hoạt động trong lãnh thổ Nga, tuy nhiên, lần này họ muốn Điện Kremlin biết ai đứng đằng sau các vụ tấn công.
“Các cơ quan của Nga nên làm quen với thực tế là người của chúng tôi có mặt ở khắp mọi nơi”, một quan chức cấp cao của Cơ quan tình báo Ukraine (SBU) chia sẻ sau vụ tấn công đường sắt thứ hai, đồng thời cung cấp chi tiết về hoạt động tác chiến nhưng giấu tên vì lý do an ninh.
Thông tin chi tiết về các cuộc tấn công đã được quan chức này cùng hai quan chức cấp cao khác của Ukraine xác nhận. Các chi tiết đều trùng với thông tin do phía Nga công bố, video từ hiện trường và báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga.
Ngay sau đó, Cơ quan an ninh Nga (FSB) cho biết họ đã bắt giữ 2 người bị nghi ngờ có liên quan tới một số vụ tấn công của Kiev, trong đó có một người mà FSB cho rằng đã cài mìn trên tàu và phát nổ trong đường hầm.
Theo cơ quan đường sắt Nga, 120 công nhân đã dọn sạch đường hầm trong vài ngày và đường sắt đã hoạt động trở lại bình thường. Các quan chức tình báo Ukraine nói rằng có thể mất nhiều tháng để khôi phục lại hoạt động bình thường của đường hầm.
Một bức ảnh được Nga công bố vào tháng 11/2023 cho thấy một đoàn tàu trật bánh ở vùng Ryazan, Nga. Chính quyền Nga cho biết vụ việc do một thiết bị nổ gây ra. Ảnh: AP
Đường sắt đóng vai trò quan trọng đối với cả Nga và Ukraine, bởi chúng được thiết kế để trở thành “xương sống” của hệ thống hậu cần từ thời Liên Xô.
New York Times dẫn lời bà Emily Ferris - nhà nghiên cứu chuyên về Nga ở Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay, cuộc tấn công táo bạo vào đường hầm ở vùng Viễn Đông của Nga có thể sẽ là mối quan ngại đặc biệt của Điện Kremlin.
“Đây là vấn đề khiến Nga bận tâm trong hơn 1 thế kỷ. Làm cách nào để đảm bảo an toàn cho những tuyến đường sắt dài và dễ bị tấn công này?”, nhà nghiên cứu Emily Ferris chia sẻ.
Hiện tại, có 2 tuyến đường sắt trải dài khắp vùng đất rộng lớn của Nga: Tuyến xuyên Siberia, trải dài 9.200km từ Vladivostok đến Moscow và tuyến Baikal - Amur mới hơn, chạy từ khu vực gần Thái Bình Dương kéo dài hơn 4.100km trước khi kết nối với tuyến xuyên Siberia.
Theo New York Times, đây là các tuyến duy nhất nối Nga với Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại với Bắc Kinh gia tăng, các tuyến này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Điện Kremlin, cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, việc bảo vệ các tuyến đường sắt này cũng đặt ra thách thức khi chúng chạy qua vùng đồng bằng Siberia, những khu rừng rậm rạp và những thảo nguyên rộng lớn.
XEM THÊM: Vì sao Ukraine e ngại tên lửa Kh-22/Kh-32 của Nga hơn cả tên lửa “bất khả chiến bại” Kinzhal?
Hệ thống đường sắt liên kết của Nga và Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng của quân nhân và trang thiết bị giữa hai nước, cho phép Belarus đóng vai trò là “bàn đạp” cho cuộc tấn công của Moscow vào Kiev từ phía Bắc hồi tháng 2/2022.
Bà Emily Ferris nhận định, các cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới đường sắt đã gia tăng khó khăn về hậu cần đối với Nga trong những ngày đầu của cuộc xung đột, góp phần khiến Moscow thất bại trong chiến dịch tấn công vào Kiev.
Hồi cuối tháng 11/2023, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine tiết lộ các đặc vụ của họ đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng đường sắt trên khắp nước Nga, cùng với đó, nhận trách nhiệm về một loạt vụ hỏa hoạn đã phá hủy các công trình được Nga sử dụng để chứa các thiết bị nhạy cảm điều phối nhiều hoạt động như kiểm soát nhà ga, giám sát tàu và phát tín hiệu đường sắt.
Đinh Kim (Theo NY Times)