Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan: Ác mộng chiến tranh hạt nhân hiện hữu

(DS&PL) -

Với căng thẳng chưa thể giải quyết sau nhiều thập kỷ, cùng kho vũ khí hạt nhân tương đương nhau, va chạm giữa Ấn Độ và Pakistan được coi là vấn đề nguy hiểm.

Với căng thẳng chưa thể giải quyết sau nhiều thập kỷ, cùng kho vũ khí hạt nhân tương đương nhau (mỗi bên có 140-150 đầu đạn), va chạm giữa Ấn Độ và Pakistan luôn được coi là vấn đề nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tiêm kích JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan phối hợp sản xuất. Ảnh: AP

Căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Islamabad trở nên sôi sục sau khi không quân Ấn Độ ném bom nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan hôm 26/2 để trả đũa vụ khủng bố khiến 45 binh sĩ thiệt mạng hồi giữa tháng 2. Không quân Pakistan điều tiêm kích đáp trả, làm bùng nổ cuộc không chiến hôm 27/2 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir, khiến một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi, phi công bị bắt làm tù binh.

Tình hình tại Kashmir đã hạ nhiệt đáng kể sau khi Pakistan trao trả phi công tù binh, nhưng vẫn xảy ra những vụ pháo kích và chạm súng lẻ tẻ giữa quân đội hai nước. Giới quan sát cảnh báo xung đột có thể leo thang thành chiến tranh quy mô lớn, gây hậu quả cực kỳ thảm khốc nếu các bên liên quan không kiềm chế, nhất là khi Pakistan có thể tung vũ khí hạt nhân để bù đắp chênh lệch về sức mạnh quân sự truyền thống với Ấn Độ, theo National Interest.

Tương quan lực lượng

Theo bảng thống kê Chỉ số Sức mạnh châu Á do Viện Lowey, Australia công bố năm 2018, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Ấn Độ là 48,4 tỷ USD, vượt xa mức 9,7 tỷ USD của Pakistan. Với dân số đông thứ hai thế giới, Ấn Độ sở hữu lực lượng quân đội vượt trội với gần 2,8 triệu binh sĩ chính quy và bán vũ trang, trong khi các lực lượng vũ trang của Pakistan chỉ có tổng cộng chưa đầy một triệu người.

Về lục quân, Ấn Độ có 1,4 triệu binh sĩ thường trực với hơn 3.565 xe tăng chiến đấu chủ lực, 3.100 xe chiến đấu bộ binh, 336 thiết giáp chở quân và 9.719 khẩu pháo các loại. Lục quân Pakistan chỉ có gần 654.000 người, trang bị 2.496 xe tăng, 1.605 xe bọc thép và 4.472 khẩu pháo, trong đó có 375 lựu pháo tự hành.

"Dù quân số lớn hơn, tiềm lực lục quân Ấn Độ thường bị hạn chế bởi vấn đề hậu cần, bảo dưỡng cũng như thiếu thốn về đạn dược", Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Anh nhận xét trong báo cáo công bố đầu năm nay.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra. Ảnh: Getty

Không quân Ấn Độ có 127.000 binh sĩ và 889 chiến đấu cơ, đa phần mua từ Nga, lớn hơn đáng kể so với Pakistan, nước có 433 chiếc, chủ yếu là tiêm kích mua từ Mỹ và Trung Quốc. Pakistan cũng có 7 máy bay cảnh báo sớm, nhiều hơn ba chiếc so với Ấn Độ.

"Không quân Pakistan đang tích cực hiện đại hóa, đồng thời cải thiện khả năng tấn công chính xác và năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR)", IISS đánh giá.

Về hải quân, Ấn Độ có một tàu sân bay, 16 tàu ngầm, 27 tàu khu trục và hộ vệ hạm, 106 tàu tuần tra xa bờ và gần bờ, 75 chiến đấu cơ, 67.700 binh sĩ gồm không quân hải quân và thủy quân lục chiến. Trong khi đó, hải quân Pakistan có quy mô nhỏ hơn đáng kể khi chỉ có 9 khinh hạm, 8 tàu ngầm, 17 tàu tuần tra và 8 phi cơ.

Hậu quả nếu kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan được sử dụng

Kể từ năm 1974, khi Ấn Độ làm choáng váng thế giới bằng thử nghiệm hạt nhân bất ngờ với vũ khí "Phật cười", Nam Á đã được coi là một vấn đề hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, Ấn Độ, giống như Trung Quốc, đã duy trì một học thuyết về "Không sử dụng đầu tiên".

Điều này nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân. Chính sách này được tuyên bố vào năm 1999, một năm sau khi Pakistan thử nghiệm thành công năm vũ khí hạt nhân của chính mình.

Ấn Độ đang biên chế 9 loại tên lửa đạn đạo khác nhau, trong đó mạnh nhất là mẫu Agni-III với tầm bắn 5.000 km. Đây cũng là một trong 5 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình, có thể bí mật đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 700 km.

Tiêm kích MiG-29UPG nâng cấp của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, Pakistan đã phát triển được các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công mọi mục tiêu của Ấn Độ, với chủ lực là dòng Shaheen-II có tầm bắn xa nhất lên tới 2.000 km.

Các kho vũ khí kết hợp của Pakistan và Ấn Độ là nhỏ so với Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng mạnh hơn những quả bom được thả xuống Nhật Bản vào năm 1945 và có thể lan tỏa sự hủy diệt đáng kinh ngạc nếu được triển khai trên các mục tiêu dân sự.

Các nghiên cứu gần đây đã ước tính rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực (như giữa Ấn Độ và Pakistan) có thể dẫn tới cái chết của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới.

Để ngăn chặn cơn ác mộng này trở thành hiện thực, cộng đồng quốc tế phải lên án các hành động bạo lực và tạo thêm không gian cho việc hòa giải các xung đột trước khi tình hình leo thang ngoài tầm kiểm soát.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật