Đêm qua (10/11), Canada đã thông báo rằng 11 nước thành viên TPP đã đạt được thoả thuận về “các yếu tố cốt lõi” cho hiệp định TPP-11.
Trong cuộc trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Canada Philippe-François Champagne xác nhận “yếu tố cốt lõi” sẽ đảm bảo các nước tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lao động và môi trường. Động thái này được xem như một bước đột phá sau khi đàm phán TPP tưởng chừng đổ vỡ vì Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tới dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP-11.
Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng về các nguyên tắc chung vẫn còn đang được thảo luận vì các quốc gia chưa giải quyết được tất cả các khía cạnh liên quan đến thỏa thuận.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang được đàm phán lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này. TPP bao gồm các điều khoản rõ ràng, yêu cầu tất cả các nước thành viên loại bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, thông qua và duy trì các luật cũng như thực tiễn về "điều kiện lao động được chấp nhận", bảo vệ quyền thương lượng tập thể.
Canada thông báo 11 nước thành viên TPP đã thông qua được một số "yếu tố cốt lõi" của thỏa thuận. Ảnh: CBC |
Như vậy, “yếu tố cốt lõi” mà phía Canada xác nhận chính là việc sau đàm phán hôm 10/11, các nước thành viên đã đồng ý triển khai quy định về lương tối thiểu, giờ làm việc, các vấn đề về an toàn lao động, và sức khoẻ giống như quy định của thoả thuận TPP ban đầu.
Ông Champagne nói: “Chúng tôi có một thoả thuận tốt hơn cho Canada, đồng thời chúng tôi đảm bảo được yếu tố tién bộ - giống như thủ tướng tôi vẫn nói là sẽ không thể làm thương mại thế kỷ 21 giống như trước kia”. Bộ trưởng Thương mại Canada cũng cho biết nếu một quốc gia thành viên không tuân thủ các yêu cầu này trong hiệp định, bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể kiện ra tòa trọng tài.
Thoả thuận mới giờ cũng đặt “bốn khoản cụ thể” để đàm phán tiếp, trong đó có chương về nguồn gốc xuất xứ, trước khi hiệp định có thể chính thức ký kết. "Điều mà chúng tôi đã đạt được trong ngày hôm nay là xác định lĩnh vực nào cần đàm phán cho xong”, ông Champagne nói.
Hiệp ước sửa đổi - được một số nhà quan sát gọi là "TPP-11", chỉ số quốc gia thành viên tham gia thỏa thuận sau khi Mỹ rút - bây giờ sẽ được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về các khía cạnh môi trường của hiệp định, tất cả các nước đều đồng ý với các điều khoản tương đối mơ hồ, đòi hỏi "bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học" và việc thực hiện "cơ chế" để giảm phát thải cacbon. Thỏa thuận này cũng yêu cầu một mức độ bảo vệ cao hơn đối với động, thực vật hoang dã và các biện pháp để giải quyết tình trạng đánh bắt quá mức.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo cbc.ca)