(ĐSPL) – TS. Nhà giáo ưu tú Hà Lan – Nguyên vụ trưởng Vụ quản lý đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần rà soát lại hồ sơ của ông Vũ Minh Hoàng xem có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Vụ phó hay không.
PV: Trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng có phải trường hợp đặc biệt trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ không, thưa ông?
TS. Hà Lan: Đây đúng là trường hợp đặc biệt. Nhưng theo quy trình đào tạo cán bộ, việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng là không được phép. Đầu tiên muốn trở thành công chức, viên chức thì cán bộ phải trải qua thi tuyển, sau đó có thời gian tập sự. Khi vào biên chế tiếp tục được xem xét có nằm trong diện quy hoạch không.
Ví dụ ở khóa tới, dàn cán bộ nhận chức là những ai, đảm đương vị trí gì, căn cứ vào đấy cơ quan sẽ gửi danh sách về Học viện – hệ thống đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Điều quan trọng nhất khi muốn trở thành một vụ phó nhất thiết phải qua Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để có bằng Cao cấp lý luận chính trị và phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
TS. Nhà giáo ưu tú Hà Lan – Nguyên vụ trưởng Vụ quản lý đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
PV: Theo quy trình bổ nhiệm, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thì trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng có phải quá gấp gáp không, thưa ông?
TS. Hà Lan: Về quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo” thì việc bổ nhiệm phải theo đúng quy trình thủ tục và phải có điều kiện đối với việc bổ nhiệm.
Với trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã làm gấp gáp và bỏ qua nhiều khâu. Thậm chí, không thông qua danh sách để những cán bộ chủ chốt của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nắm được, đồng thời không thông qua cấp ủy, không xem xét trong cấp ủy để bỏ phiếu lựa chọn đối tượng bổ nhiệm. Qua hết các khâu trên, còn phải lấy phiếu tín nhiệm ở đơn vị cán bộ được bổ nhiệm.
Theo đó thì quy trình bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng là không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy trình thủ tục.
PV: Để trở thành một vụ phó cần phải trải qua những gì?
TS. Hà Lan: Điều đầu tiên để trở thành vụ phó cần phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình. Những người nằm trong diện quy hoạch phải đủ điều kiện về văn bằng đại học, trải qua kinh nghiệm thực tiễn. Về mặt nhà nước đòi hỏi cán bộ được bổ nhiệm phải có điều kiện tiêu chuẩn là từ chuyên viên chính trở lên. Chưa kể đến vấn đề tôi nói ở trên, khi trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Vụ thì chắc chắn phải có bằng Cao cấp lý luận chính trị và phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
Đây là những điều kiện bắt buộc và cần phải kiểm tra lại hồ sơ xem ông Vũ Minh Hoàng có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên chưa.
PV: Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại thu hút nhân tài “xa” như vậy? Có phải do Đồng bằng sông Cửu Long quá ít nhân tài hay không?
TS. Hà Lan: Chưa nói đến việc nhân tài ở xa hay gần, nhưng quy trình bổ nhiệm của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chưa cho thấy sự minh bạch. Việc các địa phương chiêu hiền đãi sỹ là rất bình thường, lấy một người ở một nơi khác thay vì địa phương mình là chuyện dễ hiểu nhưng nó phải có cạnh tranh để nổi bật lên ai là người có năng lực thực sự. Khi hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn và vượt qua được những người khác, việc cán bộ đó đến từ đâu không còn quan trọng. Qua đó cũng tránh được câu chuyện “địa phương chủ nghĩa”.
Đơn xin đi học của Vũ Minh Hoàng đề ngày vào Đảng 3/8/2014 (Ảnh: Dân Trí) |
TS. Hà Lan: Ông Vũ Minh Hoàng phải chỉ rõ ra được ngày tháng năm kết nạp, ở đâu và ai là người giới thiệu thứ nhất, người giới thiệu thứ hai? Bởi theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì đảng viên phải là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên và người này phải thừa nhận và tự nguyện thực hiện các Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở Đảng (Chi bộ, Đảng bộ....) được nhân dân tín nhiệm, sau đó được giới thiệu kết nạp, thử thách, sinh hoạt và công nhận chính thức.
Nếu ông Vũ Minh Hoàng được kết nạp Đảng tại nước ngoài thì yêu cầu trưởng ban cán sự Đảng uy ngoài nước tại nơi ông Hoàng học (Nhật) chuyển hồ sơ Đảng của ông Hoàng về và phải chỉ rõ được kết nạp vào ngày nào, ở đâu và ai giới thiệu, đúng như Điều lệ của Đảng.
PV: Thưa ông, nếu phát hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, phải xử lý thế nào?
TS. Hà Lan: Phải rà soát lại quy trình, xem ai là người quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng và nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo quy định.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 20/5/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi văn bản cho Ban Tổ chức Trung ương về việc đề nghị thống nhất xét tuyển không qua thi tuyển đối với du học sinh Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Ninh) và được đồng ý. - Ngày 4/6/2014, ông Hoàng được tuyển dụng vào làm việc tập sự 12 tháng tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. - Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9/2017. - Tháng 1/2016, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Vụ phó Kinh tế, sau 17 tháng vào cơ quan này. - 32 ngày sau, ông Hoàng được chuyển về giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ theo công văn "xin người" của chính quyền thành phố này. |
Hoàng Giang (thực hiện)