(ĐSPL) - Trung tuần tháng 10, Reuters dẫn tuyên bố của Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov cho hay, Nga sẽ tái thiết, nâng cấp căn cứ hải quân Tartus ở Syria thành một căn cứ thường trực, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng với những đồng minh Trung Đông và khu vực Địa Trung Hải.
Đây được coi là động thái mới nhất của Moscow nhằm củng cố lực lượng ở chiến trường Syria trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang ngày càng căng thẳng do những bất đồng liên quan tới xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Động thái trên cho thấy, Nga đang tăng cường năng lực ở Syria, dù Moscow đã chính thức rút phần lớn lực lượng ở quốc gia Trung Đông này từ hồi tháng 3/2016. Điều đó cũng cho thấy, điện Kremlin đang đặt nền móng cho sự lâu dài nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad trong tương lai.
Bàn về lý do Nga cần tái thiết căn cứ quân sự ở Tartus, Syria, ông George Messi, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ ở Beirut, Lebanon, nói trên hãng thông tấn RIA Novosti (Nga): “Nếu Nga muốn một lần nữa đóng vai trò chủ chốt trên thế giới, Moscow cần căn cứ này, chủ yếu để bảo vệ lợi ích của mình”.
“Mỹ đã lập các căn cứ trên khắp thế giới. Vì sao Nga không thể có một căn cứ, ít nhất là ở Trung Đông?”, ông George Messi nhấn mạnh. Tổng Biên tập tạp chí National Defense, Igor Korochenko, bày tỏ sự đồng tình với những nhận xét trên: Quyết định của Nga là một “nước cờ quyền lực”. Theo ông, căn cứ Tartus sẽ cải thiện đáng kể vị thế địa chính trị Moscow ở Trung Đông và là “khu vực hỗ trợ đáng tin cậy” về mặt kỹ thuật và hậu cần đối với lực lượng hải quân Nga.
Chiến hạm Pyotr Veliky của Nga cập cảng tại căn cứ Tartus. (Ảnh: Sputnik). |
Cùng với căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ Tartus “giúp Nga tăng cường chính sách đối ngoại và quốc phòng, vô hiệu hóa các mối đe dọa”, ông Korochenko khẳng định. “Nếu các tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Kalibr được đặt tại Tartus, Moscow có thể dễ dàng kiểm soát tình hình ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Điều đó cũng đặc biệt quan trọng khi đối phó với một NATO ngày càng quyết đoán”, ông Korochenko nói.
Giới quan sát nhận định, Washington sẽ không hài lòng với những động thái này của Nga. Bởi căn cứ trên sẽ làm quan hệ vốn căng thẳng giữa Moscow và Washington ngày càng leo thang, bất kể người kế nhiệm ông Barack Obama tiếp quản Nhà Trắng là ai. Theo George Messi, chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ cố gắng kiềm chế, làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Đông.
“Người Mỹ phải hiểu, bây giờ không phải những năm 90 của thế kỷ trước. Nga đã mạnh hơn rất nhiều. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải chấp nhận, Moscow đã tạo ra một đối trọng chính trị và quân sự mới”, ông Messi nhận định. George Messi cũng chỉ ra lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách Mỹ luôn thận trọng với căn cứ Tartus của Nga tại Syria, bởi căn cứ này ở gần căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mỹ phản đối căn cứ Nga tại Tartus bởi nó nằm rất gần với căn cứ Incirlik. Về mặt chiến lược và quân sự, căn cứ này đặc biệt nguy hiểm với Mỹ và Israel. Thêm vào đó, hệ thống phòng thủ S-300 đã được triển khai tại Syria cũng là mối đe dọa tiềm tàng với Mỹ. Tôi nghĩ, Mỹ sẽ suy nghĩ rất thấu đáo và cẩn trọng trước khi đưa ra hành động cụ thể”, Messi nói.
Moscow thừa hưởng căn cứ Tartus từ sau khi Liên Xô (cũ) tan rã vào năm 1991. Hiện tại, cơ sở này là chỗ đứng duy nhất của hải quân Nga tại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, khả năng vận hành của Tartus vẫn khá khiêm tốn và không thể đón tàu chiến lớn.
Tờ Izvestia cho hay, hiện Moscow đang đàm phán để lập một căn cứ không quân ở Ai Cập. Trong khi đó, nhật báo Rossiskaya Gazeta hé lộ rằng Nga đang để mắt tới việc mở căn cứ ở Venezuela, Nicaragua, Seychelles và có thể là cả Singapore.
DANH TUYÊN
(Theo Reuters, Sputnik)
Xem thêm video:
[mecloud]sLIUpkoAgj[/mecloud]