(ĐSPL) - Mỗi ngày, nhiều loại gỗ quý từ Lào như hương, cẩm, mun, trắc... được ngụy trang dưới vỏ bọc là những chuyến xe container chở đá quặng tuồn qua cửa biên giới đưa về Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, tình trạng một số đầu nậu đưa người lên khu vực cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) lập nên các lán trại để thu gom gỗ lậu từ Lào về đang khiến tình hình an ninh ở đây hết sức phức tạp.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc thâm nhập và tìm hiểu thực hư đường dây buôn lậu gỗ hết sức tinh vi này.
|
Gỗ lậu được ngụy trang dưới những lớp đá quặng chất đầy trên ô tô. |
Cận cảnh "thủ thuật" ngụy trang gỗ lậu
Sau khi nhận được thông tin từ người dân về tình trạng buôn bán gỗ lậu ở cửa khẩu Cha Lo, chúng tôi đã vượt hơn 200km tìm hiểu về chiêu thức qua mắt lực lượng chức năng của các đầu nậu gỗ. Việc đi vào bãi tập kết hàng hóa cửa khẩu Cha Lo rất khó khăn, không phải ai cũng được tự do đi vào cổng chính một cách dễ dàng, vì ở đó lực lượng hải quan tập trung rất đông. Trước tình thế đó, chúng tôi đã phải trèo qua một chiếc hàng rào mà những người dân đi lượm ve chai thường hay chui qua. Điều đầu tiên xuất hiện trước mắt PV là những đống gỗ chất đầy thành nhiều lớp và chồng lên rất cao, được che phủ bởi những chiếc bạt lớn. Cạnh đó là những chiếc lán trại nằm phía cuối của bãi tập kết. Được biết ở khu vực này có tới 6 lán trại, đồng nghĩa với có 6 người chủ chuyên thu mua các loại gỗ quý.
Trong vai những người đi buôn, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tiếp xúc được với một số người buôn gỗ lậu ở bãi tập kết hàng hóa thuộc cửa khẩu Cha Lo. Một đầu nậu tên M. cho biết, hành trình vận chuyển gỗ lậu từ Lào về Việt Nam là một chặng đường rất khó khăn. Nhưng khi đưa được gỗ lậu về đến cửa khẩu Cha Lo thì coi như mọi việc đã an bài, chỉ còn đợi hải quan làm thủ tục mở tờ khai thì gỗ lậu sẽ trở thành gỗ hợp pháp. Một trong những "thủ thuật" cao tay của cánh buôn gỗ lậu hòng tránh sự theo dõi và kiểm tra của lực lượng chức năng nước bạn là dùng đá quặng chất đầy lên xe, còn nằm sâu phía dưới là một số lượng gỗ quý rất lớn, có khi họ còn nhét thêm gỗ ở phía trên khoang lái.
Quan sát trên bãi tập kết hàng hóa, chúng tôi ghi nhận có đến 4 chiếc xe gỗ lậu mang biển kiểm soát của Lào đỗ lại. Phía trên mỗi chiếc xe có khoảng 5 đến 6 người đàn ông to khỏe đang hì hục dùng cuốc, xẻng đào bới từng tấm gỗ ở phía dưới lớp đá quặng ngụy trang. Những thanh gỗ được họ xếp gọn, còn lớp đá quặng thì chẳng ai quan tâm nên vung vãi khắp nơi. Phần lớn những khúc gỗ có chiều dài khoảng 80cm, rộng 20cm. Khi PV hỏi về việc tại sao lại phải chất đầy những lớp đá sỏi trên xe gỗ thì một người đàn ông dân tộc được giao nhiệm vụ canh gác lán trại gần đó cho hay: "Đó không phải là đá thường mà là đá quặng, họ dùng để ngụy trang cho đống gỗ lậu phía dưới, tránh sự giám sát kiểm tra của bộ đội biên phòng Lào ấy mà". Người đàn ông này cũng cho biết thêm những khúc gỗ đó thuộc các loại gỗ quý như hương, cẩm, mun, trắc...
Điều đáng nói ở đây, việc mua bán gỗ được diễn ra tấp nập ngay trên khu tập kết của cửa khẩu. Buổi sáng, những chuyến xe gỗ lậu từ Lào được chuyển đến bãi. Khi chiều muộn thì gỗ được hoàn thành mọi "thủ tục" và các đầu nậu ở khu tập kết sẽ bán lại cho các đầu nậu khác rồi được đưa vào nội địa. "Gỗ chủ yếu được chuyển sang Trung Quốc, bán ra Bắc Ninh và một số địa phương khác. Bọn em được thuê để chở hàng ra ngoài đó và hành trình này không khó khăn là mấy. Từ cửa khẩu Cha Lo về đến Bắc Ninh, mỗi chuyến xe chi phí dọc đường từ 6 đến 7 triệu đồng là trót lọt", một tài xế tiết lộ.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Trung tá Cao Xuân Phú, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo cho biết: "Nhiệm vụ chính của đồn biên phòng là đảm bảo an ninh trật tự cho mọi hoạt động của cửa khẩu, còn các lán trại đó được các thương lái dựng lên từ khoảng vài ngày trước là để bảo vệ hàng hóa của họ. Mọi thủ tục hành chính các anh nên làm việc với bên chi cục Hải quan". Ông này cũng phủ nhận việc gỗ từ Lào về không hề được ngụy trang, và đó là gỗ hợp pháp. Nhưng khi chúng tôi hỏi tại sao một số bãi đá quặng được đổ bừa bãi trong khu tập kết thì ông Phú im lặng.
Ông Bùi Vĩnh Trường, Phó Chi cục trưởng, chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo lý giải: "Chúng tôi đã thực hiện tất cả thủ tục, hồ sơ chấp hành theo đúng yêu cầu của pháp luật Việt Nam và các hiệp định mà Việt Nam đã ký về hợp tác thương mại quốc tế. Như vậy khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp xuất trình đầy đủ các chứng từ theo quy định của pháp luật thì hải quan phải có trách nhiệm làm thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp. Thời gian qua các thủ tục nhập khẩu gỗ tại cửa khẩu Cha Lo đều đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành". Nhưng khi được hỏi về phương thức vận chuyển cũng như việc xuất hiện các bãi tập kết gỗ từ bao giờ thì chi cục Hải quan vòng vo và không đưa ra được lý giải thuyết phục.
Liên quan đến quy trình vận chuyển gỗ, một cán bộ ở chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: "Theo quy định của ngành kiểm lâm thì khi gỗ lưu thông phải có lý lịch và hồ sơ rõ ràng. Gỗ nhập khẩu, ngoài việc có dấu búa kiểm lâm của nước bạn, khi nhập khẩu vào Việt Nam, chủ gỗ phải báo ngay cho kiểm lâm Việt Nam làm thủ tục đóng búa tại cửa khẩu (nếu cửa khẩu có bãi đỗ) còn không thì phải xin phép Cục đến bãi gần nhất". Như vậy, nếu không thực hiện các quy trình tối thiểu trên thì các đầu nậu gỗ rất dễ dàng trong việc tráo đổi các loại gỗ có nguồn gốc khác nhau. Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng đã có người "tạo ra kẽ hở" cho việc vận chuyển, buôn bán gỗ quý hiếm trái phép? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ.
Nếu cần mua gỗ gì, cứ trao đổi với chị?! Sau một thời gian tìm hiểu thì chúng tôi cũng tiếp xúc được với một người đàn bà khoảng 50 tuổi là chủ sở hữu một lán trại ở bãi tập kết. Người phụ nữ này cho biết: "Khi về đây bọn chị được các anh hải quan làm luật cho, mỗi thanh gỗ như vậy là phải làm một tờ khai. Ví dụ, một thanh gỗ hương phải viết tờ khai đóng thuế là 40 nghìn đồng, mỗi xe như thế trung bình phải mất hơn 100 triệu đồng tiền thuế em à! Có lần, chị mua một xe gỗ trắc 20 tấn mà mất tận 200 triệu đồng tiền luật. Mỗi loại gỗ thì lại có những cách tính thuế khác nhau và tùy theo số lượng, giá trị và có loại thì tính theo mét khối, kilogam... Chỉ cần có gỗ là họ sẽ mở tờ khai cho mình... sau đó mọi giấy tờ sẽ được hợp thức hóa. Nếu các em muốn mua gỗ thì cứ việc trao đổi với bọn chị"?! Phát hiện chụp hình, PV bị dọa "xử" Mặc dù chúng tôi đã tìm đến chỗ kín đáo để ghi lại những hình ảnh cụ thể việc mua bán gỗ lậu ở khu vực cửa khẩu Cha Lo nhưng đã bị lộ. Một số đầu nậu phát hiện chúng tôi không phải là những người buôn bán nên đã đe dọa "xử" làm chúng tôi một phen hú vía. Một người đàn bà khoảng hơn 40 tuổi lớn tiếng quát: "Chúng mày chụp hình làm gì? Gỗ của bọn tao vẫn đang còn nằm ở cửa khẩu chưa xuất đi được, chúng mày muốn chết hay sao? Mấy em ra túm cổ mấy thằng đó lại và đập nát máy nó đi!". Ngay lập tức, chúng tôi nhảy khỏi hàng rào chạy về phía QL12. Mặc dù đã lên xe tháo chạy nhưng một số đối tượng vẫn đuổi theo chúng tôi. |