Căn bệnh nữ diễn viên Mai Phương mắc phải là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.
NSND Hồng Vân vào thăm diễn viên Mai Phương ở viện. - Ảnh: Vietnamnet.vn |
Tối 18/8, Phạm Thành Trung, người anh thân thiết của Mai Phương, chia sẻ nữ diễn viên mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Cô hiện nằm điều trị tại Bệnh viện 175, TP.HCM.
Những ngày qua nhiều đồng nghiệp ở sân khấu, đoàn phim và người hâm mộ đến thăm. Gia đình cho biết sức khoẻ cô khá yếu, ho nhiều, không thể trò chuyện nên hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Chỉ một số bạn bè, bằng hữu thân thiết mới được vào thăm cô.
Diễn viên Mai Phương, 33 tuổi, cô từng là gương mặt được khán giả màn ảnh nhỏ yêu thích qua nhiều vai diễn trong Những thiên thần áo trắng, Một ngày không có em, Sóng đời, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa...
Trong thời gian này, Mai Phương phải bỏ toàn bộ lịch trình quay phim, game show đã ký hợp đồng trước đó, mẹ nữ diễn viên buồn bã chia sẻ.
Ung thư phổi - căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu, khó phát hiện sớm
GS Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.
“Hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Con số này nhiều hơn tổng số tử vong 3 loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng”, GS Molina nhấn mạnh.
Theo GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại Việt Nam, ung thư phổi có 21.865 ca mới mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca thiệt mạng là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.
TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bứu Hưng Việt cho biết, ước tính tại thủ đô Hà Nội trung bình tỷ lệ được chẩn đoán ung thư phổi vào khoảng 40/100.000 dân và ở TP.HCM là khoảng 30/100.000 người.
Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lại rất khó khăn. Hơn 90% bệnh nhân chết chỉ sau một năm phát hiện bởi bệnh không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm.
“Nếu bệnh có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu khả năng đáp ứng điều trị tốt, tỷ lệ sống có thể lên đến hơn 70%. Ngược lại, đối với những bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối tỷ lệ tử vong rất lớn. Hơn 90% bệnh nhân tử vong sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh”, TS Hoàng Đình Chân cho hay.
Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, chỉ 10-20% được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Theo TS Chân, ở giai đoạn sớm bệnh có những triệu chứng rất nghèo nàn, bệnh nhân dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác.
Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, người bị ung thư phổi có những triệu chứng, biểu hiện khá rõ ràng và liên tục. Người bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi nuốt cảm giác rất khó khăn, đau đớn. Người bệnh có cảm giác khó thở, khàn giọng, ho ra máu, ho thường xuyên và liên tục hơn.
Ngoài ra, người bệnh còn bị đau tức ngực, thở gấp, thở dồn, thở không điều.
Bệnh nhân ung thư phổi còn có biểu hiện trên toàn thân. Người bệnh bị trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, đau ngực, đau lưng, đau vai, cánh tay, mặt bị phù, mi mắt bị sụp.
Đặc biệt, người ung thư phổi giai đoạn cuối thường xuyên bị sốt kéo dài. Hiện tượng này khá phổ biến, nhưng, nó khá giống với bệnh cảm sốt thông thường nên rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh cảm cúm thông thường.
Chẩn đoán ung thư phổi như thế nào?
Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối di căn xương. - Ảnh: pinterest.com.au |
Nếu nghi ngờ ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tế bào trong đờm (quan sát dưới kính hiển vi những tế bào lấy từ mẫu dịch nhầy ở phổi khi ho) là một xét nghiệm đơn giản mà có thể có ích cho việc phát hiện ra bệnh ung thư. Tuy nhiên, muốn chẩn đoán chính xác, bác sĩ phải nghiên cứu mô phổi.
Sau khi xác định tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành phân giai đoạn để biết được tế bào ung thư đã lan rộng đến bộ phận nào của cơ thể. Ung thư phổi thường ảnh hưởng đến não hoặc vào xương. Việc tìm ra giai đoạn sẽ giúp cho bác sĩ lập kế hoạch điều trị.
Ung thư phổi được chia thành 2 loại: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào không nhỏ. Trong đó ung phổi tế bào không nhỏ phổ biến hơn, chiếm khoảng 80-85% ca bệnh.
Dù chiếm tỉ lệ mắc ít nhưng ung thư phổi tế bào nhỏ thường diễn tiến nặng hơn, hầu hết được chẩn đoán khi bệnh đã nặng. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
Điều trị ung thư phổi
Bệnh nhân ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc hóa - xạ trị kết hợp. Đối với giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp toàn thân như hóa chất, điều trị đích. Tuy nhiên, việc điều trị đích chỉ hợp với bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo GS Mai Trọng Khoa đã có rất nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi được điều trị thành công, thậm chí có bệnh nhân là bác sĩ đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn não, sau khi điều trị tuân thủ đúng phác đồ, hiện tại bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, sức khỏe tốt.
GS Mai Trọng Khoa cho biết, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào không nhỏ khoảng 18%, trong khi con số này ở bệnh nhân ung thư vú lên tới trên 80%.
Các bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ thời gian điều trị và đánh giá cho kết quả lâu dài khá cao. Tuy nhiên, GS Khoa nhấn mạnh bất cứ bệnh ung thư nào ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần có một tinh thần lạc quan với bệnh tật.
Nguyên nhân mắc ung thư phổi
Những người hút thuốc và phải tiếp xúc với khói thuôc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. - Ảnh: medicinenet.com |
Ung thư phổi thường phát triển từ tổ chức biểu mô phế quản, phát triển lan rộng và di căn nhanh.
GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm ra được mối liên hệ các yếu tố nguy cơ với bệnh ung thư phổi như do môi trường ô nhiễm, tiếp xúc lâu với các chất phóng xạ như uranium, mỏ kền, mỏ cromate; một số ngành nghề có tiếp xúc như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt...
Những trường hợp tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định như radon, amiăng... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 3-4 lần so với những người khác.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)