Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảm động chuyện vợ liệt sỹ Gạc Ma ba lần tiễn chồng, con ra đảo

(DS&PL) -

(ĐSPL)-Lấy vợ chưa được bao lâu, anh tình nguyện đi lính hải quân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Anh đã anh dũng hy sinh giữa biển khơi khi cùng đồng đội bảo vệ đảo Gạc Ma.

(ĐSPL)- Lấy vợ chưa được bao lâu, anh tình nguyện đi lính hải quân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và anh đã anh dũng hy sinh giữa biển khơi khi cùng đồng đội bảo vệ đảo Gạc Ma.
Ngày biết tin anh mãi không về, chị như chết lặng nhưng phải gắng gượng cho qua nỗi đau để nuôi hai con khôn lớn. Nay một lần nữa chị lại tiếp tục ngóng tin con ngoài biển khơi, mong cho con yên bình.
Người phụ nữ ba lần tiễn chồng con ra biển đảo.
Mùa xuân ấy, anh ở lại giữa biển khơi
ở vùng quê nghèo thuộc xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nơi cuộc sống của người dân cả ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ấy, hai chữ "Trường Sa" vừa thiêng liêng vừa gần gũi đến lạ thường. Theo chân anh cán bộ, chúng tôi tìm về nhà chị Trần Thị Liễu (SN 1966), vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong (SN 1962). Ngày ngày, chị Liễu (ngụ làng Hiển Lộc, xã Duy Ninh) vẫn lặng lẽ ngóng chờ tin con trai đang bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước ở quần đảo Trường Sa. Và trong tâm khảm người phụ nữ ấy, vẫn còn khắc ghi hình bóng về người chồng đã hy sinh ngoài biển đảo xa xôi.
Cũng như bao người khác, bước vào tuổi trưởng thành, chàng thanh niên Phong sớm kết duyên với cô gái cùng quê tên Liễu khi cả hai vừa bước sang tuổi đôi mươi. Học cùng trường cấp 3, cùng trải qua những ngày tháng tuổi thơ trên miền quê nghèo, đôi bạn đã trao gửi tình cảm qua những cánh thư khi anh đi làm nhiệm vụ ở Campuchia. Hai người hai phương trời nhưng luôn hứa hẹn ngày trở về. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về từ nước bạn, tình yêu của họ được ghi dấu bằng một đám cưới đầm ấm trong sự chúc phúc của bà con láng giềng. Cưới nhau chưa được bao lâu thì mùa xuân năm 1984, anh về lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân.
"Ngày nhà trai đưa trầu cau đến hỏi, tôi vẫn còn là một cô gái mới lớn nên chưa hình dung nổi phận làm dâu. Rồi cái ngày hạnh phúc nhất của hai đứa cũng đến. Nhưng ở với nhau chưa được bao lâu, anh ấy đã đi bộ đội. Ngày anh ấy ra đi cũng là mùa xuân đầu tiên hai vợ chồng sống với nhau. Song vì nhiệm vụ của Tổ quốc nên anh phải lên đường nhập ngũ. Đêm trước hôm anh lên đường, tôi chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc. Cứ nghĩ đến chuyện tôi đang mang giọt máu của anh mà lại phải ở nhà một mình tôi lo lắng lắm vì không biết sẽ xoay xở ra sao. Nhưng rồi tôi phải tự trấn an mình để anh yên tâm đi bộ đội", chị Liễu tâm sự.
Những tháng ngày không có anh ở bên, người mẹ trẻ một mình vượt cạn, nuôi con. Đứa con đầu lòng ra đời vào năm 1986 được chị đặt tên là Nguyễn Mậu Trường. Anh ở phương xa gửi thư về cho chị, kể về những kỷ niệm và cuộc sống nơi phương xa. Mỗi lần nhận được thư anh, chị như có thêm sức mạnh, nguồn động viên để vượt qua khó khăn nuôi con, chờ anh trở về. Nuôi con nhỏ một mình, khó khăn gian khổ là vậy nhưng trong thư, chị luôn khuyên anh cố gắng và có những lời động viên để anh yên tâm công tác.
Sau hơn một năm hoạt động trong đơn vị Hải quân ở Trường Sa, anh Phong mới được đơn vị cho nghỉ phép về thăm nhà vào năm 1987. Niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa sau hơn một năm dài ngóng tin chồng qua những cánh thư viết vội, chị Liễu gặp lại chồng mà rưng rưng nước mắt. Anh chị ngập tràn hạnh phúc, đặc biệt là khi trong gia đình nhỏ có thêm đứa con nhỏ, đứa con mà anh chỉ nghe chị kể qua những cánh thư chứ chưa một lần ôm ấp.
 
Chị Liễu cùng con trai và con dâu.
Lớp cha đi trước, lớp con theo sau
Sau một thời gian nghỉ phép, anh nhận được lệnh phải ra đảo gấp. Trên đường hành quân vào Nam, anh chỉ kịp gửi cho chị vài dòng chữ và lời dặn dò chăm sóc con. Và những cánh thư của anh tiếp tục được gửi về để động viên mẹ con chị cho đến khi anh ngã xuống. Ngồi trầm lặng bên chiếc bàn, chị Liễu rưng rưng tâm sự: "Ngày anh ấy trở lại đảo cũng là ngày tui biết mình mang thai đứa con thứ hai. Thương lắm, muốn chồng ở lại lắm, nhưng vì nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc nên không đành lòng cản bước chồng. Khi anh ấy ra đảo Gạc Ma được mấy ngày, thì tôi nhận được hung tin. Anh ấy cùng đồng đội đã ngã xuống". Ngày 14/3/1988 có lẽ là ngày ám ảnh nhất đối với người phụ nữ thôn quê này khi chị nhận được tin chồng mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.
Chồng hy sinh ngoài khơi xa nhưng chị dường như không tin vào sự thật đó. Hàng ngày chị vẫn ngóng đợi và dõi theo nơi đảo xa chờ mong một phép màu. Đứa con đầu lòng vẫn còn bé trong khi đó lại đang mang thai đứa con thứ hai, chị không hình dung nổi mình sẽ sống tiếp ra sao. Hàng đêm, chị vẫn nằm mơ về chồng, có những lúc khóc thầm trong đêm, càng nhìn con chị càng thương anh nằm lại nơi lạnh lẽo. Theo thời gian, hai con trai của chị dần trưởng thành và rất giống bố. Nhìn hai con mà chị như có thêm động lực để sống. Và khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Mậu Trường đã viết đơn tình nguyện gửi lãnh đạo đơn vị Hải quân mà bố mình từng công tác nơi hải đảo Trường Sa. "Cháu muốn trở thành người lính như bố cháu để được xung phong nơi đầu ngọn sóng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...", đó là những lời chân thành mà cũng rất có chí khí của Trường viết trong lá đơn xin nhập ngũ. Cuối năm đó, Trường được gọi nhập ngũ theo đúng nguyện vọng và được ra làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Trường kể: "Ngày được lên đường tòng quân, em tự hào nhưng rất hồi hộp khi mình đã trở thành đồng đội của bố, theo dấu chân bố ra đảo. ở đó, em được mấy lần tham gia kỷ niệm ngày 14/03/1988, được nghiêng mình cử hành trọng thể lễ kỷ niệm, giơ tay chào theo quân lệnh để tưởng niệm bố và đồng đội của bố ngày ấy".
Liệt sỹ Trường Sa Nguyễn Mậu Phong.
Sau Nguyễn Mậu Trường, đến lượt Nguyễn Tiến Xuân (SN 1987) lại xin mẹ viết thư tình nguyện theo cha, theo anh ra Trường Sa giữ đảo. Chị Liễu kể: "Cháu Xuân học giỏi, bạn bè nói thi đại học là đỗ cao nhưng cháu không thi mà xin mẹ viết đơn tình nguyện theo anh, theo bố. Nói thiệt, tôi cũng lo, lo là vì trước bố chúng đã ngã xuống rồi, nếu lỡ nó có chuyện chi thì lòng dạ đâu mà tôi sống. Nhưng cạnh nỗi lo ấy lại có niềm tự hào khi con cái đã trưởng thành, biết tự hào và nối bước truyền thống của bố...".
Thế là Xuân viết đơn gửi lữ đoàn trưởng nơi bố mình từng phục vụ. Đơn Xuân viết có đoạn: "Ba cháu đã hy sinh ở Trường Sa, anh cháu cũng tình nguyện ra Trường Sa cầm súng bảo vệ biên cương, nay cháu cũng tình nguyện theo bước chân của ba cháu, của anh cháu để làm người lính giữ gìn biển đảo...". Viết đơn xong, Xuân một mình bắt xe đò từ Quảng Bình vào Cam Ranh gửi cho đơn vị của cha.
Chẳng bao lâu sau, chị Liễu lại lần thứ ba tiễn người đàn ông cuối cùng của gia đình đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc. Ngày con út lên đường, chị đi bộ cả mấy cây số tiễn con. Chị ôm Xuân, xoa đầu, dặn dò phải lễ phép, sống hòa thuận với anh em. Chuyến xe chuyển quân lăn bánh, chị quay mặt khóc để con không biết. Và người đàn bà tảo tần ấy lại vò võ một mình trong căn nhà hiu vắng. Người con trai cả Nguyễn Mậu Trường giờ đã xuất ngũ, lấy vợ và đang làm công nhân ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn cậu con trai út Nguyễn Tiến Xuân, sau thời gian huấn luyện và học tập ở Học viện Hải quân Nha Trang (Khánh Hòa) hiện đang phục vụ tại một đơn vị Hải quân ở Trường Sa.
Hơn 26 năm qua, cứ mỗi độ xuân về chị lại lo hương khói cho chồng. Còn giờ đây chị lại ngóng về biển, về đứa con đang bảo vệ Tổ quốc ngoài đảo xa với niềm tự hào về chồng và con mình đã góp phần cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Gia đình gương mẫu trong vùng

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng thôn làng Hiển Lộc, xã Duy Ninh cho biết: "Hoàn cảnh gia đình chị Liễu rất đặc biệt, chồng hy sinh khi chị còn rất trẻ và chị phải một mình nuôi con. Nay hai đứa con lớn lên lại tiếp bước cha ra biển đảo bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Hiện nay chị Liễu chỉ sống một mình nơi quê nhà, còn hai con đều ở xa".

Tin nổi bật