100 năm qua, kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thành công năm 1917, nhân loại đã chứng kiến biết bao sự kiện sôi động, hào hùng, những biến cố thăng trầm, khốc liệt trên mọi lĩnh vực của đời sống thế giới. Trong đó, Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện đã làm “rung chuyển” cả thế giới, mang tầm vóc lịch sử vĩ đại, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Lãnh tụ V.I.Lê-nin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu |
1. Tính chất nhân dân, triệt để, sâu sắc; bản chất nhân văn, nhân đạo; giá trị thời đại đã tạo nên sức mạnh “rung chuyển” toàn cầu và tầm vóc lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Cách mạng Tháng Mười thành công, chặt đứt khâu yếu, rệu rã nhất trong sợi "dây chuyền" đế quốc chủ nghĩa. Nó đã biến chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận trở thành thực tiễn, từ tư tưởng trở thành hiện thực sinh động trên vùng đất rộng lớn. “Giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động” (V.I.Lênin Toàn tập, Nhà Xuất bản Tiến Bộ, M.1977, tập 36), đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội. Mệnh đề “dân là chủ”, “dân làm chủ” đối với nhân loại mới thực sự biết đến và có ý nghĩa từ đây. Khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tự cứu lấy mình và giải phóng mình. Đó là những giá trị lịch sử chủ yếu và giá trị quốc tế, ý nghĩa thời đại to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Một thế kỷ qua, chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống thế giới, là chỗ dựa và động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của các phong trào cách mạng trên thế giới; rồi từ hệ thống thế giới còn lại những nước tiếp tục xây dựng, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa với diện mạo mới, năng động và sáng tạo. Điều đó phản ánh những bước thăng trầm, nhưng tất thắng của chủ nghĩa xã hội trên con đường khẳng định sự tồn tại hợp quy luật của mình.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội hiện thực ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất nhân đạo, nhân văn của chế độ xã hội mới, của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga. Điều đó không chỉ thể hiện sinh động trong thực tiễn xây dựng xã hội mới, thể hiện ở việc bảo đảm quyền làm chủ và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; mà còn thể hiện ở những đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với loài người, đối với giai cấp cần lao, các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới, đối với tiến trình phát triển của lịch sử thế giới hiện đại. Chính Liên Xô - đất nước của Cách mạng Tháng Mười, đã cùng với các lực lượng hòa bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Chính Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa là trụ cột của hòa bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, bảo đảm nền hòa bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX.
2. Thành tựu và công lao của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với nhân loại thật là vĩ đại và vô cùng to lớn, khẳng định những giá trị tốt đẹp, những giá trị nhân đạo, nhân văn của chủ nghĩa xã hội hiện thực và tính ưu việt, tiên tiến của nó trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Không có Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội hiện thực thì các giai cấp lao động và các dân tộc trên thế giới vẫn chìm đắm trong sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Và, trong thế kỷ qua, chủ nghĩa tư bản có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự tác động, ảnh hưởng bởi những giá trị nhân đạo, nhân văn, giá trị vì con người của chủ nghĩa xã hội hiện thực, của Cách mạng Tháng Mười Nga. Bản chất hòa bình, nhân đạo, nhân văn và cống hiến to lớn của chủ nghĩa xã hội đã được lịch sử kiểm nghiệm, khẳng định, không thể bác bỏ.
Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không làm suy giảm những giá trị, ý nghĩa to lớn và sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười, không làm mất đi những giá trị vốn có của chủ nghĩa xã hội, mà càng cho chúng ta thấy rõ tính chất quyết liệt, gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày nay; rút kinh nghiệm để xác định đúng đắn hơn mục tiêu và biện pháp trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Một thế kỷ đã qua, lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi rọi cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vẫn tiếp tục tiếp thêm nguồn sinh lực cho nhân loại tiến bộ trên con đường đi đến xã hội chủ nghĩa.
Hơn 8 thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta hơn 30 năm qua đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu to lớn ấy, mọi người dân Việt Nam đều cảm nhận được rất rõ ràng và thụ hưởng thực sự trong cuộc sống, được cả thế giới ngưỡng mộ và lạc quan tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành “một quốc gia phồn thịnh” trong tương lai.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Làm thế nào để phát triển đất nước mà vẫn giữ được mình trong điều kiện đó là vấn đề hệ trọng đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nội dung cơ bản của câu trả lời cho vấn đề nêu trên nằm ở việc chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đi theo con đường cách mạng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Nguồn: Hà Nội mới)