Xung quanh chúng ta luôn tồn tại những kẻ khó chịu làm thui chột, kìm hãm sự phát triển, cản bước bạn tiến đến thành công, vậy cách nhận biết và đối phó như thế nào?
Những kẻ khó chịu hay còn gọi là những kẻ độc tố
Có một truyền thuyết kể rằng ếch sẽ dìm những con ếch khác đang cố thoát khỏi nồi nước sôi. Dù chỉ là truyện dân gian, nhưng điều đó vẫn có trong hiện thực: trong cuộc sống, luôn có những người kháng cự, đe dọa, và phá hoại khả năng tự cải thiện bản thân.
Nhóm người này - ta có thể gọi là “độc tố” - có thể sẽ không bằng lòng với những tiến bộ của bạn với nhiều lý do. Có lẽ họ nghĩ bạn sẽ rời khỏi cuộc sống của họ nếu bạn tiến bộ quá nhiều. Có thể họ cảm thấy sự tiến bộ của bạn quay ngược lại thể hiện những yếu kém của họ. Hoặc có thể họ sợ sự thay đổi.
Nguyên nhân không quan trọng bằng kết quả, đó có thể là giận dữ, phật lòng, thất vọng, thao túng, hoặc bạo lực (hoặc kết hợp giữa những điều này). Ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ thấy mình bên cạnh những người bạn, thành viên gia đình, hay đồng nghiệp có tính độc, họ - cố ý hay vô tình - phá hoại hạnh phúc và sự phát triển của bạn. Nhận diện những người này và hiểu cách quản lý họ là điều rất quan trọng cho phúc lợi, thành công, và hạnh phúc của bạn.
Chúng ta sẽ bàn về cách nhận diện những kẻ độc tố và định hướng quá trình có phần khó khăn và gây nhiều cảm xúc để loại bỏ những kẻ độc tố này ra khỏi cuộc đời bạn.
Bởi vì thực sự là tương lai của bạn tùy thuộc vào điều này.
Làm sao để biết ai thực sự là kẻ độc tố?
Ngày nay từ “toxic” (độc tố) rất thường được sử dụng, vậy nên cần giải thích rõ ràng điều ta muốn nói có nghĩa là gì.
Có một số người trong cuộc sống khiến ta khá là mệt mỏi - phiền phức, khó tính, hay đòi hỏi, không thì lại khó chịu. Những người này không phải “độc tố”, nếu nói đúng nghĩa. Ta chỉ không ưa họ thôi. Với nhóm người (tương đối lớn) này, có thể bạn chỉ muốn tạo một chút khoảng cách với họ, chứ không nhất thiết phải ngay lập tức tống khứ họ ra khỏi cuộc sống.
Những kẻ độc tố có rất nhiều loại. Một bên là những người bạn cũ từ thời trung học luôn ca thán rằng bạn và họ không dành đủ thời gian đi chơi cùng nhau. Bên kia là người bạn gái cũ vẫn còn có thể khiến bạn giận dữ hết lần này đến lần khác. Bạn cũ có thể gây khó chịu, nhưng bạn gái cũ thì có thể là độc tố đấy.
Tất nhiên, khả năng chịu đựng độc tố của mỗi người mỗi khác - bạn phải quyết định người nào cần cách xa và người nào cần phải loại bỏ hoàn toàn. Những ranh giới đó tùy thuộc từng người. Ví dụ, bạn sẽ rộng lượng với chị gái bạn hơn là với đồng nghiệp, nhưng chị gái và đồng nghiệp của mỗi người khác nhau, và mỗi người có những giới hạn khác nhau.
Điều chúng ta đang nói tới là độc tố thực sự - kiểu người sẽ tiêm nhiễm, gây di căn, và thao túng cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số dấu hiệu của kẻ độc tố:
Kẻ độc tố cố gắng điều khiển bạn. Nghe có vẻ lạ, nhưng những người không thể điều khiển cuộc sống của chính họ có khuynh hướng muốn điều khiển cuộc sống của bạn. Kẻ độc tố tìm cách điều khiển người khác, dù là bằng cách thức công khai hay ngấm ngầm.
Kẻ độc tố không màng đến những giới hạn của bạn. Nếu bạn luôn phải nói một người nào đó dừng cách cư xử của họ mà họ vẫn tiếp tục như thế, thì người đó rất có thể là kẻ độc tố. Tôn trọng ranh giới của người khác là một chuyện hiển nhiên đối với những người trưởng thành biết suy nghĩ. Kẻ độc tố chỉ muốn xâm phạm.
Kẻ độc tố chỉ nhận chứ không cho. Cho và nhận là nhân tố quyết định tình bạn thật sự. Đôi lúc bạn cần giúp đỡ, và đôi lúc bạn của bạn giúp đỡ bạn, nhưng đến cuối cùng các bạn đều hòa lẫn nhau. Nhưng với kẻ độc tố thì không - họ thường lấy đi những gì họ có thể lấy từ bạn, chỉ cần bạn chịu cho.
Kẻ độc tố luôn “đúng”. Họ sẽ tìm cách để trở nên đúng khi họ sai. Họ hiếm khi (hoặc không bao giờ) thừa nhận mỗi khi họ làm rối tung mọi việc, tính toán sai, hay nói sai.
Kẻ độc tố không thành thật. Tôi không nói tới những lời nói quá, những lời nói để giữ thể diện, hay những lời nói dối thiện ý. Tôi đang nói đến sự gian dối trắng trợn và lặp đi lặp lại.
Kẻ độc tố thích làm nạn nhân. Kẻ độc tố xem việc làm nạn nhân của thế giới là một niềm vui. Họ tìm cách để cảm thấy bị áp lực, thất vọng, và bị cô lập mặc dù thực chất không phải vậy. Điều này có thể được thể hiện qua những cái cớ, biện hộ, hay đổ lỗi.
Kẻ độc tố không nhận trách nhiệm. Một phần của tâm lý nạn nhân xuất phát từ mong muốn né tránh trách nhiệm. Khi cả thế giới chống lại họ, sự lựa chọn và hành động của họ không thể chịu trách nhiệm cho chất lượng cuộc sống của họ - chỉ là “chuyện nó vậy thì là vậy thôi.”
Những điều này nghe có quen không? Chúng có thể giúp nhận diện độc tố xung quanh bạn, dù độc tố không phải lúc nào cũng hiển nhiên. Trên thực tế, độc tố có thể không hiện hữu trong một vài năm cho đến khi bạn dừng lại và cân nhắc những gì đã trải qua với một người nào đó khiến bạn khó chịu. Dù giới hạn chịu đựng độc tố của mỗi người mỗi khác, nhưng đó thường là vì ta không thể nhận diện các dấu hiệu.
Vậy làm cách nào để loại bỏ độc tố ra khỏi cuộc sống?
Tại sao loại bỏ kẻ độc tố ra khỏi cuộc sống lại quan trọng đến vậy?
Rất hiếm khi một kẻ độc tố hoàn toàn phá hoại công sức tự cải thiện bản thân của bạn, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Ít nhất thì họ sẽ làm chậm đi tiến triển của bạn. Ngoài ra, bạn có muốn trong cuộc sống của bạn có một người luôn chủ động chống đối việc làm cuộc sống bạn tốt đẹp hơn không?
Đáp án tất nhiên là không. Và điều này có thể rất khó chấp nhận, cho đến khi bạn bắt đầu nhận ra hậu quả của độc tố ảnh hưởng đến bạn.
Dưới tác động của kẻ độc tố, có thể bạn sẽ do dự với một quyết định quan trọng. Có thể bạn sẽ cảm thấy buồn, không thoải mái, và xấu hổ với chính những tiến bộ và hạnh phúc của mình. Có thể bạn còn áp dụng độc tố vào mình, bởi vì kẻ độc tố có một cách đặc biệt để khiến bạn cũng trở thành một kẻ độc tố.
(Trên thực tế, lây nhiễm độc tố là cơ chế phòng ngự tự nhiên. Howard Bloom trong quyển The Lucifer Principle (Nguyên lý Lucifer) giải thích độc tố gia tăng trong vi khuẩn lam là một trong những thích nghi tiến hóa đầu tiên - vi khuẩn trở nên độc hơn để có thể sinh tồn. Điều tương tự cũng xảy ra đối với con người ở cấp độ vĩ mô.)
Thường thì điều này xảy ra mà ta không hề biết. Nếu bạn từng có một ông sếp độc tố, thì bạn sẽ hiểu: hành vi của ông ấy khiến bạn khó chịu và cay cú, vậy nên bạn giận dữ với tổ đội dưới trướng bạn, khiến nhân viên của bạn gây khó dễ lẫn nhau, khiến họ cứ giữ thái độ đó trở về nhà với bạn bè và gia đình, và trước khi bạn kịp nhận ra, độc tố đã vô tình lan rộng.
Đó là cách thức hoạt động của độc tố. Lây nhiễm và âm ỉ, ngay cả với những người tốt bụng, hòa nhã. Đó là lý do khiến nó nguy hiểm, và cũng là lý do vì sao loại bỏ kẻ độc tố ra khỏi cuộc sống của bạn lại quan trọng đến vậy.
Cách loại bỏ những người thật sự là độc tố
Đầu tiên, cảnh báo trước là: việc tống khứ kẻ độc tố ra khỏi cuộc sống có thể sẽ thất bại thảm hại. Đó là một phần của căn bệnh. Vì vậy, loại bỏ những người này ra khỏi cuộc sống bạn một cách lành mạnh và có chừng mực là một điều rất quan trọng.
Vậy làm sao để loại bỏ kẻ độc tố và lấy lại thời gian và công sức mà bạn đã chi cho họ?
Chấp nhận rằng việc này là cả một quá trình. Tống khứ các nhân tố độc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hiện tại họ không tôn trọng những ranh giới của bạn, thì sau này cũng sẽ như thế. Họ có thể vẫn sẽ trở lại sau khi bạn đã đuổi họ đi. Có thể bạn sẽ phải đuổi họ đi một vài lần trước khi họ thật sự rời khỏi. Vậy nên hãy nhớ rằng tạo khoảng cách là một quá trình dài lâu.
Đừng cảm thấy bạn nợ họ một lời giải thích kỹ càng. Mọi lời giải thích đều chỉ là vì bạn chứ không phải vì họ. Những điều bạn nghĩ là một chủ đề không thể đem ra tranh luận được. Hoặc, nếu thích thì hãy làm đơn giản thôi: bình tĩnh và nhẹ nhàng nói với họ rằng bạn không muốn họ trong cuộc sống của bạn nữa, và chỉ thế thôi. Bạn nói với họ nhiều hay ít đều tùy thuộc vào bạn. Mỗi một mối quan hệ cần một cách tiếp cận khác nhau.
Nói với họ ở nơi công cộng. Kẻ độc tố trở nên giận dữ và thậm chí bạo lực không phải là chuyện chưa từng có. Nói với họ ở nơi đông người có thể giảm thiểu khả năng này. Nếu gặp vấn đề, bạn có thể chỉ cần đứng dậy và rời đi.
Chặn họ trên mạng xã hội. Công nghệ khiến việc xa cách trở nên khó khăn hơn, vậy nên đừng cho họ bất cứ cơ hội nào để bắt nạt hay phỉnh phờ bạn. Bạn đặt ra những ranh giới. Tuân theo chúng. Điều này bao gồm ngăn chặn họ liên lạc với bạn qua mạng xã hội, nếu cần thiết. Chặn email và các phương thức liên lạc khác với kẻ độc tố có thể sẽ cần thiết.
Đừng tranh cãi - chỉ cần nhấn mạnh lại ranh giới của bạn. Cãi vã và tranh luận chỉ càng khiến bạn rơi vào vòng xoáy độc tố - đó là điều mà kẻ độc tố làm. Nếu như họ quay lại, hãy tự hứa với bản thân là sẽ né tranh cãi. Khẳng định chắc chắn ranh giới của bạn, và kết thúc cuộc trò chuyện. Bạn không phải đang cố “tranh luận” với một người để họ tránh xa khỏi bạn. Đây không phải là một cuộc đàm phán. Tuy nhiên bạn có thể khiến họ dần dần ít cảm thấy hứng thú khi làm phiền bạn. “Đừng quan tâm kẻ thích đùa!”
Hãy nghĩ đến việc viết thư. Viết cho bản thân bạn một bức thư là một cách tập dợt cho cuộc nói chuyện thật sự với người đó. Bạn làm rõ suy nghĩ và cảm nhận của mình. Bạn cũng có thể đọc lại lá thư nếu cần phải nhớ lý do bạn quyết định loại bỏ một người. Bởi vì kẻ độc tố thường làm mọi thứ có thể để ở lại trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ cần mọi sự trợ giúp có thể.
Hãy cân nhắc việc tạo khoảng cách thay vì cách ly. Bạn còn nhớ người mà ta nói đến ở phía trên - không phải kẻ độc tố, mà chỉ là kẻ phiền phức? Bạn không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn họ ra khỏi cuộc sống. Bạn chỉ cần tạo khoảng cách bằng cách lấp đầy thời gian của bạn với những người bạn khác và các hoạt động khác, và không bị vướng vào những chèo kéo của họ nữa.
Trong nhiều trường hợp, có khi bạn không phải “làm” bất cứ thứ gì.
Với nhiều mối quan hệ độc tố - đặc biệt là với bạn bè và đồng nghiệp - bạn chỉ cần ngầm quyết định tạo một chút khoảng cách, không nhất thiết phải ngồi xuống nói chuyện rạch ròi với kẻ độc tố ấy nữa. Hãy nhớ rằng: bạn không nợ ai bất kỳ lời giải thích nào. Bạn có thể chỉ cần chậm rãi biến mất khỏi cuộc đời của họ tới một mức độ cần thiết, cho đến khi bạn không còn bị ảnh hưởng bởi độc tố nữa. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn sẽ nghĩ nhiều về việc phải khiến cho khoảng cách trở nên rõ ràng và rành mạch, trong khi thực chất mọi thứ cần làm đều tùy thuộc ở bạn. Giống như một ngọn lửa, chỉ cần bạn không châm thêm củi nữa thôi.
Tuy nhiên, vẫn có một viễn cảnh mà bạn phải giải quyết kẻ độc tố khác đi một chút: khi kẻ độc tố là máu mủ ruột thịt của bạn.
Phải làm gì khi kẻ độc tố là người thân trong gia đình?
Người thân độc tố là một tình huống khá tréo ngoe. Không có câu trả lời đơn giản, và không có câu trả lời chuẩn phù hợp với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, loại bỏ người thân độc tố có thể là điều quan trọng nhất mà bạn làm. Gia đình có một cách riêng để làm phiền và trực tiếp ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, và sự lựa chọn của bạn. Người thân không sở hữu bạn vì quan hệ huyết thống. Gia đình không phải là ngoại lệ khi nói đến độc tố. Người thân không có kim bài thần kỳ nào để phá hoại cuộc sống của bạn. Hãy ghi nhớ điều đó.
Tạo khoảng cách, dù là vật lý hay cảm xúc, với những người thân độc tố có thể là nước đi tốt nhất. Nhưng nếu là gia đình (khác với bạn bè hay đồng nghiệp), tạo khoảng cách đôi khi sẽ cần có giới hạn đặc biệt. Bạn có thể tạo khoảng cách cảm xúc, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng bạn vẫn phải tương tác với người đó ở mức độ nào đó (gặp họ ở buổi tiệc gia đình vào ngày lễ, nói chuyện, hoặc chăm sóc ba mẹ cùng với họ). Thật vậy, tạo khoảng cách với người thân gia đình đòi hỏi bạn phải gỡ rối giữa dính líu thực tế và dính líu cảm xúc với họ - bạn vẫn hợp tác với họ khi cần thiết, nhưng bạn sẽ không để họ lôi kéo nhiễm phải những độc tố cảm xúc.
Điều quan trọng với gia đình là đi từng bước nhẹ nhàng và có những quyết định bình tĩnh, lý trí, vì cách bạn giải quyết người thân độc tố có thể đặt ra màu sắc chủ đạo cho cả mối quan hệ gia đình. Hậu quả đến từ gia đình thường lớn và nghiêm trọng hơn từ bạn bè và công sở.
Vậy nên hãy tự hỏi: Hậu quả bạn sẽ nhận được là gì đối với người thân? Những ngày lễ tết sẽ như thế nào? Bạn có thể hoàn toàn loại bỏ họ được không? Bạn có thể trả lời những câu hỏi này và vẫn quyết định cách ly bản thân. Hoặc bạn sẽ điều chỉnh phương pháp của mình. Điều quan trọng là dành thời gian cân nhắc nguyên nhân và hậu quả của từng trường hợp trước khi đưa ra quyết định.
Tôi sẽ không nói dối: Loại bỏ người khác (đặc biệt là gia đình) ra khỏi cuộc sống của bạn là một trong những việc khó nhằn nhất bạn có thể làm. Nhưng như ta đã nói, nó cũng là một trong những quyết định sáng suốt nhất thay đổi cuộc đời bạn.
Điều quan trọng nhất, loại bỏ kẻ độc tố cũng gửi gắm một thông điệp chủ chốt đến bản thân. Bạn đang nói rằng: “Tôi có giá trị.” Bạn ưu tiên hạnh phúc của mình hơn là sự yếu kém của người khác. Một khi nhận ra kẻ độc tố mài mòn ý thức giá trị bản thân này, bạn sẽ càng khó chấp nhận họ trong cuộc sống của mình hơn.
Vậy hãy nói với chúng tôi: Bạn đã bao giờ loại bỏ một kẻ độc tố ra khỏi cuộc sống của bạn chưa? Bạn làm điều đó như thế nào? Kết quả ra sao? Tôi cũng muốn nghe kể về những kẻ độc tố mà bạn không biết phải giải quyết thế nào. Dù gì thì đây cũng là cách cải thiện vòng tròn xã hội và hạnh phúc của bạn trong năm nay - bằng cả thêm vào lẫn bớt đi.
Đây là cách người thành công đối phó với những kẻ khó chịu trong đời
Trong công việc, cuộc sống, tình cảm... của mỗi người đều có những kẻ khó chịu bao quanh, thứ năng lượng xấu xa trong suy nghĩ, hành động của họ luôn chực chờ bùng phát. Phải làm thế nào để đối phó với những con người như vậy?
Dường như, những kẻ khó chịu (toxic people) cư xử và hành động bất tuân logic, họ không ý thức được về những tác động tiêu cực của bản thân đối với những người xunh quanh. Đôi khi, họ còn cảm thấy "hài lòng" khi tạo ra xung đột hoặc đẩy trách nhiệm cho người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp không cần thiết.
Sự thật, bị vây lấy bởi những kẻ khó chịu là một cực hình, gây ra stress triền miên.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, tác động tiêu cực của những kẻ khó chịu có thể gián tiếp gây tổn thương não, ảnh hưởng tới hiệu quả của nơ-ron trong vùng hippocampus (vùng não quanh trọng, chịu trách nhiệm kiểm soát lý luận và trí nhớ. Căng thẳng là mối đe dọa ghê ghớm với sự thành công của bất cứ ai, khi vượt khỏi tầm kiểm soát, hiệu suất trong nhiều lĩnh vực của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Những kẻ khó chịu xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc: rất có thể đó là bạn học, đồng nghiệp, hàng xóm, gã thu tiền điện... Cái dở ở đây là bạn phải thường xuyên tiếp xúc với họ.
Làm thế nào để đối phó với những kẻ khó chịu là một trong những chủ đề rất nóng, được bàn bạc sôi nổi trên các trang mạng xã hội.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công
Travis Bradberry, tác giả kiêm đồng sáng lập của TalentSmart cho biết, những kẻ khó chịu tạo ra căng thẳng đôi khi còn tệ hơn cả bạo lực.
Công ty TalentSmart của Travis đã thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy rằng: "90% những người thành đạt rất giỏi trong việc kiểm soát tình cảm của mình vào những lúc căng thẳng... Họ vẫn điềm tĩnh và làm chủ bản thân."
“Một trong những khả năng tốt nhất của người thành công, là biết cách vô hiệu hóa những kẻ khó chịu. Những người thành đạt nhất đã tạo ra được những cách giúp miễn dịch với suy nghĩ và hành động tiêu cực.”
Travis đã đưa ra những cách hiệu quả nhất để đối phó với những kẻ khó chịu:
Đặt ra những giới hạn
Chúng ta thường cảm thấy bị áp lực khi phải nghe những lời than vãn, vì ta không muốn bị cho là thô lỗ hay vô tâm. Tuy nhiên có một ranh giới giữa sự lắng nghe, cảm thông với việc bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực của đối phương.
Bạn chỉ có thể tránh được điều này bằng cách đặt ra giới hạn và tự mình tránh xa ra nếu cần thiết. Một cách rất hay để đặt ra giới hạn là hỏi người than phiền họ sẽ xử lý vấn đề như thế nào. Hoặc là họ sẽ im không nói nữa hoặc là lái câu chuyện theo hướng có ích hơn.
Kiểm soát cảm xúc
Vượt lên trên. Những kẻ khó chịu khiến bạn nổi khùng vì thái độ của họ rất phi lý. Không thể nhầm lẫn về điều này. Thái độ của họ quả thật là vô lý. Tại sao bạn lại để tình cảm của mình bị họ ảnh hưởng và bị dính vào mọi chuyện?
Họ càng phi lý và sai lầm chừng nào thì bạn càng dễ thoát khỏi bẫy của họ. Đừng để dính líu gì với họ về mặt cảm tính và làm sao cho cách cư xử của bạn với họ giống như là đang làm một công trình khoa học: logic và khó có thể bắt bẻ.
Đừng tập trung vào vấn đề mà chỉ nên tập trung vào giải pháp.
Giữ khoảng cách về mặt cảm tính cần sự ý thức. Bạn không thể giữ cho người ta không khiêu khích bạn nếu bạn không ý thức được rằng họ đang khiêu khích. Đôi khi những gì bạn cần làm là mỉm cười và "bơ" đi.
Bạn tập trung sự chú ý vào đâu sẽ quyết định trạng thái tâm lý của bạn. Khi bạn cứ mãi bận tâm về vấn đề mà bạn đang gặp phải thì bạn sẽ tạo ra cho mình tâm lý tiêu cực và áp lực kéo dài. Khi dính đến những kẻ khó chịu, nếu bạn cứ chăm chăm nhìn vào việc họ đang "nổi điên" và khiến bạn bực mình, như vậy sẽ chỉ giúp cho họ có lợi thế so với bạn.
Thay vào đó hãy tập trung vào việc bạn sẽ làm gì để xử lý vấn đề. Điều này giúp bạn ứng xử hiệu quả hơn do kiểm soát được tình hình.
(Tổng hợp)