Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cách các tỷ phú Pháp định hình cuộc bầu cử tổng thống 2022

(DS&PL) -

Ở một quốc gia có luật tài chính chính trị nghiêm ngặt, việc kiểm soát các phương tiện truyền thông tin tức đã tạo ra một con đường cho những người rất giàu định hình đến các cuộc bầu cử.

Cuộc đua truyền thông 

Theo New York Times, đối thủ hàng đầu của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 thực tế là một người không xuất hiện trên bất kỳ tấm áp phích nào, cũng không tham gia các bài phát biểu vận động tranh cử và không có tên trên lá phiếu bầu. 

Ông ấy hoàn toàn không phải là một ứng cử viên, nhưng người đàn ông thường được mô tả là Rupert Murdoch của Pháp: Vincent Bolloré - tỷ phú có đế chế truyền thông CNews - đã gây khó khăn hơn cho con đường tái đắc cử của ông chủ Điện Elysee hiện tại. 

Tỷ phú Vincent Bolloré đã dành sự ủng hộ cho ứng viên tổng thống Éric Zemmour -  ngôi sao lớn nhất của mạng lưới tin tức này. 

Cựu Tổng thống Pháp François Hollande nhận xét trong một cuộc phỏng vấn trước đây: "Các kênh của Bolloré phần lớn tập trung vào ông Zemmour".

Sự nổi lên của ông Zemmour chỉ là một ví dụ về quyền lực của các ông trùm truyền thông Pháp trong việc định hình các vấn đề chính trị. Ở một quốc gia có luật tài chính chiến dịch rất nghiêm ngặt, việc kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng từ lâu đã tạo ra con đường cho những tỷ phú tác động đến các cuộc bầu cử.

Quang cảnh tại cuộc vận động tranh cử của ông Éric Zemmour hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: NYT 

Bà Julia Cagé, một nhà kinh tế chuyên về truyền thông tại Sciences Po chỉ ra: "Khi bạn là một tỷ phú, bạn không thể tài trợ hoàn toàn cho một chiến dịch, nhưng bạn có thể mua một tờ báo và sử dụng nó trong chiến dịch".

Trong thời gian tranh cử kéo dài nhiều tháng, cuộc đua giành sức ảnh hưởng đã diễn ra đặc biệt "điên cuồng". Trong đó, một số người đàn ông giàu nhất nước Pháp đã tham gia vào một "cuộc đua truyền thông" trên một số mạng truyền hình, đài phát thanh và ấn phẩm hàng đầu của quốc gia.

Đặc biệt, sự xuất hiện của ông Bolloré đã làm gia tăng sự sôi nổi trong mùa bầu cử này khi ông mua các tài sản truyền thông và biến chúng thành các hãng tin tức thúc đẩy một chương trình nghị sự cứng rắn của cánh hữu.

Đây vốn là hiện tượng mới trong bối cảnh truyền thông Pháp và nó đã thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỷ phú khác để "thâu tóm" truyền thông. Đó được ví là một "màn kịch" ẩn đằng sau cuộc bầu cử năm 2022, với một số tỷ phú truyền thông phản đối mạnh mẽ ông Macron, cũng như những người khác ủng hộ ông.

Cuộc đua hiện chia thành 2 bên, một là ông Bolloré cùng nhóm truyền thông của ông, Vivendi; còn lại là các tỷ phú được coi là đồng minh của Tổng thống Macron, bao gồm ông Bernard Arnault, người đứng đầu đế chế hàng hiệu LVMH.

Tầm ảnh hưởng chính trị của các ông trùm truyền thông đã trở thành mối lo ngại đến mức Thượng viện Pháp từng phải mở một cuộc điều tra. Trong các phiên điều trần được truyền hình trực tiếp vào tháng 1 và tháng 2, các tỷ phú đều phủ nhận mọi động cơ chính trị. Ông Bolloré cho biết lợi ích của ông "hoàn toàn mang ý nghĩa kinh tế". Trong khi đó,  ông Arnault khẳng định  các khoản đầu tư của ông vào các phương tiện truyền thông tin tức giống như "sự bảo trợ". 

Ở Pháp, quảng cáo truyền hình về vấn đề chính trị sẽ không được phép thực hiện trong vòng 6 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Các khoản quyên góp tài chính đến từ các tập đoàn, công ty lớn cũng bị cấm. 

Trong khi đó, các khoản quyên góp cá nhân cho một chiến dịch tại Pháp bị giới hạn ở mức 4.600 euro, tương đương khoảng 5.000 USD.

Trong chu kỳ bầu cử này, các ứng cử viên tổng thống không được chi nhiều hơn 16,9 triệu euro mỗi người, tương đương khoảng 18,5 triệu USD, cho các chiến dịch của họ trong vòng đầu tiên. Hai người lọt vào vòng chung kết sau đó được giới hạn tổng cộng 22,5 triệu euro mỗi người, tương đương khoảng 24,7 triệu USD.

Ông Jean-Michel Baylet, người có gia đình sở hữu một tập đoàn báo chí hùng mạnh ở Tây Nam nước Pháp, chia sẻ: "Bạn nghĩ tại sao những nhà tư bản Pháp mà bạn biết tên này lại mua lại các tờ báo Le Monde, Les Echos, Le Parisien? Le Monde, Les Echos, Le Parisien".

Xung đột lợi ích

Theo bà Aurélie Filippetti, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, chỉ ra việc kiểm soát truyền thông của các nhà công nghiệp, những người có hoạt động kinh doanh cốt lõi phụ thuộc vào các hợp đồng xây dựng hoặc quốc phòng của chính phủ, đã dẫn đến "xung đột lợi ích".

Với tài sản truyền thông, các doanh nhân đã nhận được nhiều lợi ích từ các chính trị gia. Bà Claude Perdriel, cổ đông chính của tạp chí hàng tuần Challenges, chia sẻ: "Các chính trị gia luôn lo sợ rằng báo chí sẽ rơi vào tay những người không thân thiện".

Đối với Tổng thống Macron, đó là những gì đã xảy ra khi đầu năm nay khi ông Jérôme Béglé, một khách mời thường xuyên của CNews, tiếp quản Tạp chí du Dimanche, một tờ báo từng ủng hộ Macron đến mức nó được gọi là "Pravda" của chính phủ.

Một sạp báo ở Paris. Ảnh: NYT 

Sau khi ông Bolloré giành được quyền kiểm soát công ty mẹ của tờ báo vào mùa thu năm ngoái, tờ báo bắt đầu xuất bản các bài báo chỉ trích và những bức ảnh không đẹp về ông chủ Điện Elysee.

Gần đây, tờ báo đã tập trung vào điều mà các đối thủ cánh hữu coi là khía cạnh dễ bị tổn thương nhất trong hồ sơ của ông Macron: Chính sách tội phạm của ông. Một ấn phẩm tờ báo từng gọi chính sách này là thất bại và "gót chân Achilles" của ông. 

Mặc dù không được chia sẻ rộng rãi, tờ báo được giới tinh hoa kinh tế và chính trị Pháp theo dõi và đóng vai trò thiết lập chương trình nghị sự.

Gaspard Gantzer, phát ngôn viên của tổng thống dưới thời ông Hollande nhận xét: "Đó là một trong hai hoặc ba tờ báo có ảnh hưởng nhất". 

Một trong những kênh truyền hình của tỷ phú Bolloré đã được tận dụng như một phương tiện truyền thông "quyền lực" với quan điểm cực hữu. Một nghiên cứu gần đây của CNRS, tổ chức nghiên cứu quốc gia Pháp, đã chỉ ra rằng từ tháng 9 đến tháng 12/2021, chương trình nổi tiếng nhất của kênh truyền hình này đã dành 53% thời lượng phát sóng cho một nhân vật cụ thể: Ông Zemmour.

Nhưng ông Macron không phải là không có đồng minh. Hai tỷ phú khác - ông Arnault, giám đốc điều hành của LVMH và người giàu nhất nước Pháp; và ông Xavier Niel, ông trùm viễn thông và là đối tác của con gái ông Arnault - đều đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với tổng thống đương nhiệm.

Trong đó, ông Arnault sở hữu Les Echos, tờ báo kinh doanh hàng đầu của đất nước và Le Parisien, một trong những tờ nhật báo nổi tiếng nhất của ông. Cả hai tờ báo này đều hầu như không chỉ trích tổng thống đương nhiệm. Ông Arnault cũng đã tham gia vào cuộc đối đầu với ông Bolloré trong một cuộc chiến kéo dài để giành quyền kiểm soát một tập đoàn truyền thông khác Lagardère.

Tuy nhiên, ông Bolloré cuối cùng đã giành được Lagardère, và đài phát thanh của tập đoàn này, Europe 1, nhanh chóng được chuyển thành phiên bản âm thanh của CNews.

Mệt mỏi trước ảnh hưởng của ông Bolloré, chính phủ Tổng thống Macron đã tìm cách đối phó với ông.

Năm ngoái, khi ông Bolloré cố gắng mua M6, một kênh truyền hình tư nhân của Pháp thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông Đức Bertelsmann, chính phủ đã đứng về phía một trong những đối thủ của ông Bolloré là ông Bouygues, chủ sở hữu của TF1, kênh truyền hình lớn nhất của Pháp.

Hầu hết các quan chức chính phủ bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận - ngoại trừ người đứng đầu cơ quan chống độc quyền khi ấy. Nếu việc hợp nhất TF1 và M6 diễn ra thuận lợi, việc này sẽ tạo ra một gã khổng lồ kiểm soát 70% quảng cáo truyền hình của Pháp.

Ông Houlié, người phát ngôn cho chiến dịch của ông Macron, nói rằng việc chính phủ xác nhận thỏa thuận TF1-M6 là nhằm tạo ra một đối trọng với Canal Plus, mạng lưới của ông Bolloré.

Tuy nhiên, ông Bolloré có lẽ là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tính đến chiến dịch tranh cử mùa này. 

Minh Hạnh (Theo New York Times)

Tin nổi bật