Theo báo điện tử VTC News, trong công điện gửi tới Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận tối 24/10, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lớn. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ"; thường xuyên giữ liên hệ với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ để có phương án ứng phó kịp thời.
"Các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực địa để cân nhắc cho học sinh nghỉ học, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão", Bộ GD&ĐT nêu rõ. Đảm bảo thông tin về lịch học và an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cân nhắc cho học sinh nghỉ học tránh bão số 6 Trà Mi Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn để tránh thiệt hại. Sẵn sàng hỗ trợ người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục khi bảo đảm an toàn. Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường học.
Ngoài ra, cần liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý, báo cáo UBND cấp tỉnh để có kế hoạch khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Theo báo Tiền phong, vào 4h sáng nay (25/10), tâm bão trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Những giờ qua, bão di chuyển chậm theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Diến biến về đường đi của bão Trà Mi có thể qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trong hai ngày 25-26/10, bão di chuyển khá ổn định theo hướng tây tây bắc và hướng tây, tiến về phía quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục mạnh lên.
Đến 4 giờ sáng 27/10, tâm bão trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Đây cũng là khoảng thời gian bão mạnh nhất. Dự báo khi tiến tới quần đảo Hoàng Sa, do ảnh hưởng của không khí lạnh và sự tương tác với cơn bão ngoài khơi Philippines nên bão sẽ vô cùng phức tạp, khó lường.
Kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là khi áp sát vùng biển khu vực Trung Trung Bộ (Quảng Bình đến Quảng Ngãi), bão liên tục đổi hướng tây tây nam, sang đông nam, sau đó đổi hướng đông, quay ngược ra biển và suy yếu dần. Tuy nhiên, xác suất bão đổ bộ các tỉnh miền Trung vẫn có thể xảy ra.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, khoảng 26-28/10, khu vực Trung Trung Bộ có khả năng đón một đợt mưa lớn diện rộng. Cường độ và phạm vi mưa sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cơn bão Trà Mi.