Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các phương tiện sẽ phải trả 2 lần phí khi đi qua hầm Hải Vân?

(DS&PL) -

Với việc Bộ GTVT cấp tiếp cho dự án hầm Hải Vân giai đoạn 2 được thu phí ở đầu phía Nam hầm thì nguy cơ các phương tiện giao thông khi đi qua hầm Hải Vân có thể phải...

Với việc Bộ GTVT cấp tiếp cho dự án hầm Hải Vân giai đoạn 2 được thu phí ở đầu phía Nam hầm thì nguy cơ các phương tiện giao thông khi đi qua hầm Hải Vân có thể phải trả tiền ở cả cửa vào và cửa ra.

TTXVN đưa tin theo kết luận Thanh tra Chính phủ mới công bố đối với dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia, nội dung được dư luận quan tâm nhất trong kết luận là thay vì đặt trạm thu phí tại cửa hầm Phước Tượng và Phú Gia đúng theo hợp đồng được phê duyệt ban đầu, vào năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải lại cho phép chuyển trạm ra ngoài dự án, cách cửa hầm khoảng 10 km về phía Nam, ngay trước cửa phía Bắc của hầm Hải Vân (ranh giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng). 

Điều này khiến cho doanh thu của dự án tăng đột biến so với phương án tài chính ban đầu cho nên dự án phải điều chỉnh thời gian thu phí xuống còn hơn 8 năm (giảm tới hơn 11 năm so với phương án tài chính ban đầu). 

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc đặt trạm thu phí tại vị trí phía Bắc Đèo Hải Vân để thu hồi vốn cho dự án Phước Tượng - Phú Gia cách dự án đang thực hiện tới 10 km, kéo theo tình trạng lái xe dù có qua hầm Phước Tượng hay Phú Gia hay không (xe ô tô cỡ nhỏ có thể lưu thông dễ dàng qua hai con đèo mà dự án xây hầm này thực hiện) đều phải dừng lại nộp tiền tại trạm thu phí ở cửa phía Bắc Hầm Hải Vân. 

Người dân các địa phương xung quanh trạm (thị trấn Lăng Cô, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có nhiều bức xúc khi không di chuyển qua hầm Phước Tượng - Phú Gia cũng phải nộp tiền cho trạm thu phí này. 

Trong báo cáo kiểm toán về dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận: Việc đặt trạm thu phí tại Bắc hầm Hải Vân thuộc Quốc lộ 1 khiến người tham gia giao thông không có sự lựa chọn, trả phí dù không sử dụng hầm của dự án. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đặt lại trạm thu phí dự án Phước Tượng - Phú Gia đúng quy định.

Trạm thu phí BOT Phước Tượng - Phú Gia. Ảnh: Đất Việt.


Điều đáng nói là trong khi đề nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thì mới đây Bộ Giao thông Vân tải lại cho phép thực hiện dự án BOT xây dựng ống hầm Hải Vân thứ 2 (kèm theo hạng mục bảo trì, vận hành hầm Hải Vân 1, thảm lại mặt đường Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân). Để thu hồi vốn cho dự án mới này, Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhà đầu tư được đặt trạm thu phí tại phía Nam hầm Hải Vân, cách trạm của BOT Phước Tượng - Phú Gia 11 km. 

Theo hợp đồng BOT dự án mở rộng hầm Hải Vân đã được ký kết, chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả) được phép thu tại phía Nam hầm Hải Vân từ 1/1/2017 để bắt đầu có vốn để sửa chữa, vận hành hầm 1 và thi công hầm 2 (đã triển khai thi công từ năm 2016). 

Tuy nhiên, chủ đầu tư hầm Hải Vân giai đoạn 2 nhận thấy nếu triển khai việc thu phí này sẽ gây ra phản ứng không tốt của xã hội vì lý do thu phí 2 lần. Lái xe khi chuẩn bị vào hầm đã phải nộp tiền, vừa ra khỏi hầm vài km lại phải nộp tiền lần nữa thì khó có thể chấp nhận được. 

Mặc dù đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để sửa hầm cũ, xây hầm mới nhưng vẫn chưa được thu phí đã gây thiệt hại cho chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân giai đoạn 2, trong khi chủ đầu tư dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia vẫn hằng ngày thu phí đều đều dù không phải bỏ kinh phí ra duy tu, bảo trì hầm Hải Vân. Do đó, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xử lý việc này. 

Thông tin trên Đất Việt cho hay, ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và nghiên cứu Phát triển của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (Tedi) đánh giá: Việc đặt trạm thu phí của dự án Phước Tượng - Phú Gia tại phía Bắc hầm Hải Vân khiến cho chủ phương tiện không có lựa chọn, không sử dụng hầm vẫn phải trả phí.

''Đèo Phú Gia và Phước Tượng không quá cao và hiểm trở, những xe ô tô cỡ nhỏ vấn có thể đi được Quốc lộ 1, không cần sử dụng hầm. Nhưng vì dự án thu phí ở cửa hầm Hải Vân nên dù qua hầm Phước Tượng - Phú Gia  hay không, lái xe và chủ phương tiện đều phải trả phí'', ông Hoàng Anh nói.

Để giải quyết việc trùng lặp trạm thu phí này, theo ông Hoàng Anh, có hai phương án; phương án 1: Gộp chung hai việc thu phí của hai dự án thành 1 trạm thu phí; kinh phí thu được phân bổ cho 2 dự án (việc này đã có tiền lệ trên dự án cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình khi xóa bỏ trạm Đại Xuyên). Phương án 2: Đưa trạm thu phí của hầm nào về hầm đó.

''Phương án 1 được đánh giá là đơn giản, dễ dàng cho các nhà đầu tư nhưng phải tính toán lại phương án tài chính có khả thi hay không. Phương án 2 đảm công bằng nhất, người sử dụng hầm nào trả tiền cho hầm đó, không dùng không phải chi trả. Phương án 2 cũng đảm bảo tính sòng phẳng, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư BOT'', ông Hoàng Anh phân tích.

Tổng hợp

Tin nổi bật