Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các nước trên thế giới xử lý thế nào nếu giáo viên bị học sinh bạo lực?

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Ở các nước trên thế giới, việc giáo viên bị học sinh xúc phạm hay bạo lực không hề hiếm. Để giải quyết những vấn đề nhức nhối đó Canada tăng cường hỗ trợ sức khỏe tâm thần khi thầy cô giáo bị xúc phạm còn Hàn Quốc chỉnh sửa Luật Giáo dục bảo vệ quyền lợi giáo viên...

Hàn Quốc: Bộ Giáo dục đã ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi của giáo viên

Thông tin trên Giáo dục & Thời đại, từ năm 2018 đến năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận số lượng giáo viên bị học sinh và phụ huynh xúc phạm, đe dọa. Ước tính, hơn 1.100 giáo viên bị quấy rối. Ngoài ra, số trường hợp học sinh có hành vi vượt chuẩn với giáo viên đạt hơn 2.000 vào năm 2022.

Theo nhiều thầy cô, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là quyền hạn của giáo viên giảm. Trong đó, lệnh cấm trừng phạt thân thể có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến quyền của giáo viên bị chà đạp.

Trước đây, Hàn Quốc cho phép giáo viên phạt thân thể học sinh vì những hành vi sai trái nhưng hình phạt đã bị cấm từ năm 2010 do lo ngại điều này vi phạm quyền về thể chất và phẩm giá của học sinh.

Giáo viên được khuyến khích áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với học sinh còn phụ huynh, học sinh được trao nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của trường. Điều đó dẫn đến sự gia tăng số vụ bạo lực đối với giáo viên.

Trước tình hình trên, hồi tháng 9, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi của giáo viên và trao cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học.

Cụ thể, giáo viên phổ thông được phép yêu cầu học sinh gây rối rời lớp và tịch thu điện thoại di động nếu các em có hành vi phá vỡ kỷ luật học tập, làm ảnh hưởng đến các bạn khác.

Nếu học sinh không tuân thủ quy tắc, giáo viên có thể thông báo hiệu trưởng để đưa ra các hình phạt. Trong tình huống khẩn cấp, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối nếu các em đe dọa thể chất giáo viên hoặc học sinh khác. Giáo viên cũng có thể sử dụng vũ lực nếu kỷ luật bằng lời nói không có tác dụng. Hiện nay, giáo viên bị cấm trừng phạt thân thể học sinh

Ngoài ra, chính sách mới có thêm yêu cầu, trong trường hợp học sinh và phụ huynh không đồng tình với phương pháp giảng dạy của giáo viên, gia đình có quyền gặp hiệu trưởng để giải quyết sự việc trực tiếp.

Giáo viên và phụ huynh có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau. Tuy nhiên, việc trao đổi diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và phải được lên lịch trước. Buổi trao đổi chỉ được thực hiện khi giáo viên và phụ huynh tuân thủ quy tắc trên.

Trong trường hợp phụ huynh có hành vi quấy rối, mắng chửi hoặc bạo lực thể chất, giáo viên có quyền chấm dứt gặp gỡ phụ huynh. Giáo viên có thể từ chối gặp hoặc trao đổi với phụ huynh ngoài giờ làm việc.

Trung Quốc: Giáo viên bị tạm dừng đứng lớp 

Tháng 4/2023, truyền thông Trung Quốc dậy sóng vụ 2 nam sinh THCS ở Quảng Tây (Trung Quốc) tát cô giáo. Đầu giờ giáo viên nhắc nhở 2 học sinh không mặc đúng đồng phục và đi dép lê đến trường. Phớt lờ lời nói, từ phía sau 2 nam sinh bật dậy tát cô giáo đang viết bảng. Sau khi có hành vi bạo lực giáo viên, 2 học sinh buông ra lời quát mắng, xúc phạm.

Trước sự việc trên, nữ giáo viên không phản kháng, chỉ dừng việc giảng dạy 1 lúc. Trong khi đó, thái độ của cả lớp lại thờ ơ, không quan tâm đến sự việc. Sau 2 ngày xảy ra sự việc, Phòng Giáo dục tỉnh Quảng Tây đưa ra biện pháp xử lý đối với ban giám hiệu, giáo viên và học sinh:

Một, phê bình và cảnh cáo phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục và đạo đức. 

Hai, tạm dừng việc đứng lớp đối với giáo viên bị học sinh đánh. Trong thời gian không đến trường, cô giáo tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao khả năng kiểm soát lớp học. 

Ba, học sinh đánh giáo viên phải tham gia các buổi tư vấn tâm lý, áp dụng biện pháp quản chế hành chính 5 ngày và đình chỉ học 1 thời gian. 

Công văn xử lý vụ việc của phòng giáo dục khiến nhiều người phẫn nộ. Họ cho rằng giáo viên không có lỗi. Trả lời vấn đề, đại diện phòng giáo dục địa phương cho biết, để xảy ra tình trạng này, không chỉ là vấn đề đạo đức của học sinh, còn liên quan đến khả năng quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về lớp học của giáo viên.

Phản bác cách xử lý của phòng giáo dục, nhiều giáo viên Trung Quốc lên án cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do việc bênh vực học sinh và không bảo vệ quyền lợi cho giáo viên ngày càng được ủng hộ. 

Anh: Chi 304 tỷ để 'cải thiện hành vi của học sinh'

VietNamNet dẫn thông tin từ tờ Global Times cho biết, theo thống kê của Hiệp hội Giáo viên quốc gia, năm 2022, 13% giáo viên bị học sinh tấn công và 28% bị phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh bạo hành bằng lời nói. Giáo viên báo cáo thường bị học sinh đấm, đá, đánh và tát. Một số học sinh thậm chí vén váy giáo viên dọa sẽ cưỡng hiếp.

Một giáo viên khác tiết lộ bị học sinh ném ghế vào người và đe dọa giết cả gia đình. Có giáo viên bị học sinh lăng mạ, xô đẩy hoặc xịt chất không rõ nguồn gốc vào mặt. Chia sẻ với phóng viên, có người bị 2 nam sinh lớp 11 nhốt trong phòng.

Còn cô Wendy Eccleston coi việc bị học sinh đánh bầm tím mặt như một phần công việc. Nữ giáo viên nhiều lần kêu gọi nhà trường có trách nhiệm quản lý hành vi bạo lực của học sinh: "Nếu nhà trường cho phép học sinh thô lỗ với giáo viên, tương lai các em khó thiết lập mối quan hệ lành mạnh trong xã hội?".

Trước tình vấn đề trên, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết: "Chính phủ đang hành động để cải thiện hành vi của học sinh nhằm đảm bảo cho giáo viên được an toàn và tôn trọng ở mọi nơi". Theo đó, từ năm 2021-2024, chính phủ nước này chi ra 10 triệu bảng Anh (304 tỷ đồng) để giúp 700 trường học 'cải thiện hành vi của học sinh'.

Mỹ: Học sinh phải đối mặt với pháp luật

Tờ New York Post đưa tin cuối tháng 9/2023, cô giáo vì can học sinh đánh nhau, vô tình trở thành nạn nhân vụ bạo lực học đường. Sự việc xảy ra tại Trường Trung học Flint Southwestern Academy, bang Michigan (Mỹ). Ngăn 2 học sinh dừng đánh nhau, cô giáo bất ngờ bị 1 nữ sinh cầm ghế kim loại ném thẳng vào đầu.

Ngay sau đó, nữ giáo viên ngất xỉu tại chỗ. Mặc cho giáo viên bị ngã, 2 nữ sinh vẫn tiếp tục đánh nhau, còn cả lớp đứng xem. Sau 3 ngày xảy ra sự việc, ông Kevelin Jones - hiệu trưởng nhà trường, khẳng định, sẽ xem xét vấn đề nghiêm túc và làm mọi thứ để duy trì môi trường an toàn cho học sinh và giáo viên.

Ông Kevelin Jones cho biết, học sinh ném ghế vào giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Nhà trường sẽ mở cuộc điều tra vụ việc để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp với học sinh.

Tháng 2/2023, CCTV đưa tin giáo viên Trường Trung học Matanzas ở Florida (Mỹ) bị tấn công vì yêu cầu học sinh ngừng chơi game. Vì tức giận, nên Brendan Depa đẩy ngã, sau đó có hành vi hành hung nữ giáo viên. 

Bị học sinh tấn công, cô Joan Naydich gãy 5 xương sườn, 1 tai mất thính giác và ảnh hưởng đến thần kinh, phải nhập viện điều trị nửa năm. Sau đó, nam sinh bị giam giữ. Hiện tại, Brendan Depa đủ tuổi 18, có khả năng đối mặt với 30 năm tù vì tội tấn công người khác cấp độ 1. 

Tháng 8/2023, cô Joan Naydich đi làm lại, vài ngày sau trường thông báo cho nghỉ việc không lương. Theo hãng tin Flagler Live, nữ giáo viên không tha thứ và từ chối giảm nhẹ hình phạt cho học sinh.

Canada: Tăng cường hỗ trợ sức khỏe tâm thần khi thầy cô giáo bị xúc phạm

Tương tự, tại Canada, theo thống kê của Liên đoàn Giáo viên, tính đến tháng 9, khoảng 30% giáo viên phổ thông từng bị bạo lực hoặc lạm dụng trong 5 qua, gây tổn hại về thể chất lẫn tinh thần.

Theo các chuyên gia giáo dục, ngành Giáo dục có nhiều vấn đề cần giải quyết. Về phía giáo viên, các trường học, cơ quan giáo dục cần tăng cường bảo vệ giáo viên bằng cách nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh về quyền hạn của giáo viên; nghiêm khắc thực hiện các quy định xử phạt khi học sinh có hành vi vi phạm... Ngành Giáo dục có thể tổ chức các chương trình đào tạo giúp giáo viên biết cách xử lý khi bị đe dọa hay bạo lực; quan tâm, chăm lo sức khoẻ tâm thần của giáo viên.

Về phía học sinh, ngành Giáo dục cần tăng cường hỗ trợ sức khoẻ tâm thần tại trường học để giảm thiểu các hành vi bạo lực.

Phần Lan: Trao cho thầy cô quyền kiểm soát

Quyền kiểm soát là một trong những yếu tố quan trọng giúp giáo viên Phần Lan quản lý lớp học hiệu quả. Nước này cũng là quốc gia sở hữu nền giáo dục chất lượng, nơi học sinh được phát triển đảm bảo an toàn, hạnh phúc và toàn diện. Giáo viên được tôn trọng, yêu mến.

Cụ thể, ban giám hiệu các trường phổ thông trao quyền cho phép giáo viên tự quản lý lớp học, tự do sáng tạo phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập của từng học sinh. Trong lớp học, giáo viên là người có quyền quyết định cao nhất, không bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo.

Vì vậy, trong tiết học và trong trường học, học sinh phải nghe lời, tuân thủ quy định của giáo viên và hợp tác với giáo viên để các hoạt động học tập diễn ra hiệu quả, xuyên suốt.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật