2018 là một năm sôi động của chính trường Đông Nam Á với cuộc chạy đua giữa các nguyên thủ nhằm giữ vững vị trí lãnh đạo của mình.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Sẽ theo tâm nguyện của cha tôi”
Ngày 27/2, Thủ tướng Singpore Lý Hiển Long khẳng định ông sẽ sớm tiến hành giải tán quốc hội tại nhiệm để sẵn sàng tiến hành bầu cử và trao lại quyền lãnh đạo cho thế hệ những người trẻ hơn, năng động và quyết đoán hơn.
Thủ tướng Singpore Lý Hiển Long - Ảnh: Reuters |
Trên Facebook cá nhân, ông Lý Hiển Long cũng bày tỏ hi vọng nội các sau cải tổ vào tháng 5/2018 sẽ hết lòng ủng hộ và giúp đỡ người kế nhiệm. Đây cũng là tâm nguyện và nguyên tắc làm việc của cha ông, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Trong nhiều cuốn tự truyện và bài phỏng vấn của gia đình có hai thế hệ làm thủ tướng một đất nước phát triển hàng đầu châu Á, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu sinh thời luôn khẳng định Singapore cần những lãnh đạo trẻ và có thực tài.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak: Tăng lương cho người lao động
Trước sự trở lại chính trường của cựu thủ tướng Mahathir – vị nguyên thủ từng được rất nhiều người dân Malaysia yêu mến, Thủ tướng tại nhiệm Najib Razak đã có một quyết định khá mạo hiểm để thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri là tăng lương.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak - Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, trong quý IV năm 2017, mức lương trung bình của người lao động Malaysia đã tăng 6.3%, sau khi tăng 7.5% trong 3 tháng trước đó. Đặc biệt, công nhân trong các ngành công nghiệp chế tạo được tăng tới 9% thu nhập bình quân so với năm 2016. Ông Najib cam kết sẽ tiếp tục tăng lương cho các nhân viên trong chính phủ và mức lương hưu cho người cao tuổi.
Giáo sư Oh Ei Sun, cố vấn chính của Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương tại Kuala Lumpur, cho biết: "Chính sách mới đã khiến nhiều người dân ủng hộ đảng đương nhiệm nhưng đối với các cử tri ở thành thị và giới chủ doanh nghiệp, ảnh hưởng thật sự chưa đáng kể".
Thủ tướng Indonesia Joko Widodo: Tiến hành hòa giải dân tộc
Kỳ bầu cử của Indonesia sẽ diễn ra vào năm 2019 nhưng ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Joko Widodo đã có nhiều cải cách trong chính sách lãnh đạo theo hướng hòa giải và trung lập, nhằm thu hút thêm sự ủng hộ từ người dân.
Thủ tướng Indonesia Joko Widodo - Ảnh: News |
Ngày 26/2, chính phủ của ông Widodo đã đưa 120 binh lính Hồi giáo từng tham gia vào vụ đánh bom Bali năm 2002 và tấn công đại sứ quán Úc tại Jakarta năm 2004, tới gặp gia đình các nạn nhân để xin lỗi. Đây là động thái thể hiện tinh thần hòa bình và thống nhất dân tộc. Giới ngoại giao đánh giá rất cao các nỗ lực của ông Widodo và khẳng định người dân có thể sẽ vẫn ủng hộ ông như trong cuộc bầu cử năm 2014.
Thu Phương