Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các ngân hàng châu Á đồng loạt cảnh giác với giao dịch tiền ảo Bitcoin

(DS&PL) -

Mặc dù đã có một sự bùng nổ ngoạn mục ở châu Âu và Mỹ nhưng tiền ảo Bitcoin dường như không “được lòng” nhiều quốc gia ở châu Á.

Mặc dù đã có một sự bùng nổ ngoạn mục ở châu Âu và Mỹ nhưng tiền ảo Bitcoin dường như không “được lòng” nhiều quốc gia ở châu Á.

Thị trường Bitcoin, loại tiền ảo thịnh hành nhất hiện nay đã chứng kiến một cú nổ ngoạn mục khi giá trị tổng thị trường cán mốc 6000 USD, tăng trưởng 500% so với thống kê từ đầu năm 2017 bất chấp mọi lời chỉ trích và ý kiến phản đối từ các chuyên gia kinh tế hàng đầu.

Ngược với sự lạc quan của giới đầu tư, chính phủ và các ngân hàng lớn ở nhiều quốc gia châu Á đang thực sự lo ngại về những dấu hiệu bất ổn của cú tăng trưởng chóng mặt này.

Tại Singapore, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Ravi Menon cho biết tuy chưa có đủ căn cứ pháp lý nhằm khống chế hay cấm hoàn toàn loại tiền ảo này nhưng, chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát mọi giao dịch có thể để tránh các hoạt động rửa tiền hay liên quan đến tội phạm. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông luôn cảnh báo người dân về những nguy cơ của Bitcoin và không ủng hộ loại “tài sản ảo” này.

Một "ngân hàng" Bitcoin lưu trữ dữ liệu tại Mongolia - Ảnh: Bloomberg

Thời gian tới, ông Ravi khẳng định Singapore sẽ nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống quan sát và kiểm tra giao dịch tương tự như sàn chứng khoán đối với Bitcoin nhằm đưa thị trường này nằm trong khuôn khổ của Đạo luật Chứng khoán và Hàng hóa Singapore.

Trong tháng 10/2017, chính phủ Malaysia đã chính thức tiến hành một cuộc điều tra trên phương diện luật pháp và tài chính nhằm đưa ra phương án có nên cấm triệt để loại hình giao dịch tiền ảo sau rất nhiều vụ lừa đảo tinh vi trị giá hàng trăm nghìn USD.

Từ tháng 1/2014, ngân hàng nhà nước Negara Malaysia đã ban hành thông cáo chính thức không chấp nhận bất cứ giao dịch nào thanh toán bằng Bitcoin hoặc có liên quan đến loại tiền ảo này. Thống đốc Ngân hàng Bank Negara Tan Sri Muhammad Ibrahim cho biết kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 21/12/2017 tới.

Không chỉ Malaysia, các quốc gia đã ban hành luật cấm tương tự bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong tháng 9/2017, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc đã nghiêm khắc yêu cầu đóng cửa các công ty mua bán Bitcoin và cấm triệt để các phương thức giao dịch liên quan vì lý do an ninh thông tin. Theo Bloomberg, dù nhận nhiều chỉ trích từ giới đầu tư, chính phủ cả hai quốc gia đều cho biết đây thực sự là loại hình giao dịch “nguy hiểm, hấp dẫn tội phạm”.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tại châu Á chấp nhận loại hình giao dịch tiền ảo vào cuối tháng 9/2017. Tuy nhiên, các loại tiền ảo sẽ phải qua một quá trình kiểm duyệt khắt khe của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho người đầu tư.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông báo chính thức bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Những hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể nhận mức phạt hành chính lên tới 150–200 triệu đồng.

Thu Phương (Theo CNN/ Bloomberg/ ChinaDaily)

Tin nổi bật