Báo Dân trí đưa tin, Thượng tá Thái Doãn Bằng - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), cho biết đơn vị đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đến huyện Hương Khê, Hà Tĩnh giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo đó, khi lũ rút, đơn vị chia thành nhiều tổ đưa trang thiết bị và vật chất cần thiết đến hỗ trợ dọn dẹp nhiều điểm trường học tại ba xã Hương Thủy, Gia Phố và Hương Đô.
Nguồn tin cho biết, lực lượng chức năng tích cực hoạt động với phương châm lũ rút đến đâu, dọn đến đó, cảnh sát cơ động đã cùng giáo viên, người dân vệ sinh lớp bùn non bám trên bàn ghế, trong và ngoài khuôn viên các phòng học để học sinh vùng lũ sớm trở lại trường.
Các chiến sĩ cơ động tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: Dân trí.
Trong đợt lũ vừa qua, Hương Khê là huyện chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ diễn biến phức tạp từ ngày 29 đến 31/10.
Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh trước diến biễn của mưa lũ, huyện đã quyết định cho 22.525 học sinh phải nghỉ học, trong đó, bậc mầm non 44.946 em, tiểu học hơn 10.800 em, THCS hơn 6.779 em. Toàn huyện có 50/55 trường phải cho học sinh nghỉ học.
Huyện Hương Khê có 3 người dân tử vong, mất tích, trong đó có 1 học sinh tử vong do bị lũ cuốn.
Thông tin từ báo Hà Tĩnh, toàn huyện có gần 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng. Trong đó có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện. Nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du.
Nguồn tin từ địa phương cho biết, thời gian lũ lớn, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Hương Liên, Hương Đô, Hà Linh, Hương Trạch; bờ sông Tiêm đoạn xã Hương Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn huyện có hơn 42 ha cây trồng vụ đông bị hư hại và hơn 250ha cây ăn quả bị ngập.
Ước tính thiệt hại bước đầu do lũ lụt gây ra ở Hương Khê là trên 150 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh cho biết, huyện đang tập trung nhân lực, vật lực để khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ; đặc biệt là nhà ở dân cư, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng (hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc...). Đồng thời, vận động Nhân dân giúp đỡ nhau để nhanh chóng ổn định cuộc sống; chú trọng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, nhất là các biện pháp phục hồi đối với cây ăn quả (cam, bưởi bị đổ ngã), triển khai sản xuất vụ đông theo kế hoạch. Riêng với diện tích cây trồng vụ đông bị hư hại, huyện tiếp tục tổng hợp đầy đủ và có chính sách để hỗ trợ bà con tái sản xuất.
Các lực lượng tham gia dọn dẹp trường học. Ảnh: Báo Hà Tĩnh, Dân trí
Bên cạnh huyện Hương Khê, huyện Vũ Quang cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ mưa lớn cũng khiến nhiều xã bị ngập sâu; nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt bởi nước lũ. Toàn huyện bị ngập lụt khoảng 29,2km đường giao thông, cô lập 915 hộ dân; 56 hộ dân bị sạt lở đất vườn. Đặc biệt, lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 30/10 tại xã Đức Hương khiến 2 hộ bị ảnh hưởng, rất may không có thiệt hại về người; một số tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết: "Để bà con sớm ổn định cuộc sống, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền người dân ra vườn, xuống đồng chăm sóc, khôi phục diện tích cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện sản xuất vụ đông sau mưa, lũ đảm bảo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các vị trí xung yếu, khu vực bị sạt lở, xói lở để có phương án khắc phục kịp thời. Với những công trình hư hại nặng, huyện sẽ xem xét, bổ cứu nguồn lực để xử lý trong thời gian sớm nhất".
Bảo An (T/h)