Dự án xây khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân đang gây nhiều tranh cãi. |
"Tôi kịch liệt phản đối!"
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV đã thốt lên như vậy khi đón nhận thông tin BQL Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án "Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam" nằm trong khu vực Cửa Khẻm, nơi được coi là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Thế Diệu (Hồng Kông, Trung Quốc).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV. |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, đó là thông tin đã gây ra sự bức xúc rất lớn trong dư luận.
“Trong vài ngày qua, tôi cũng đã xem hết các ý kiến của một số tướng lĩnh quân đội và các đại biểu Quốc hội. Nhưng tôi nghĩ, những ý kiến đó cũng chỉ mới đúng một phần thôi” – tướng Thước nêu quan điểm.
Nói rõ hơn về vị trí chiến lược của khu vực đèo Hải Vân, nơi Thừa Thiên-Huế cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng khu nghỉ dưỡng, tướng Thước nhấn mạnh: “Khu vực đèo Hải Vân là một địa bàn chiến lược được xếp vào loại đặc biệt quan trọng. Vị trí cực kỳ quan trọng của đèo Hải Vân không chỉ dừng lại ở chỗ người ta có thể dùng nó uy hiếp cảng Đà Nẵng, mà nó còn rất quan trọng với quân khu V hay quân khu IV. Đặc biệt, nó còn liên quan đến sự thống nhất về lãnh hải, lãnh thổ đối với cả đất nước Việt Nam”.
Vị trí đánh dấu khu vực dự án đầu tư trên núi Hải Vân qua bản đồ Google. |
Nhắc lại lịch sử, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, địa bàn quân khu IV trong lịch sử đã 2 lần bị chia cắt, gây ra một tổn thất lớn lao, khiến nhân dân rất đau lòng. Thời nhà Nguyễn, đã bị chia cắt một lần ở sông Gianh; trong thời kỳ cách mạng đất nước bị chia cắt bởi sông Bến Hải.
“Chủ tịch Thừa Thiên Huế nói đây là khu mà Nhà nước giao cho tỉnh để làm khu kinh tế Chân Mây thì tôi không phản đối gì, nhưng như vậy không có nghĩa là để cho nước ngoài vào đây được” – nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhấn mạnh, đồng thời đặt vấn đề: Lãnh đạo địa phương phải hiểu rằng đưa doanh nghiệp nước ngoài vào đó thì hậu quả sẽ như thế nào và "có lẽ người ta nhìn lợi ích kinh tế trước mắt".
Theo quan điểm của mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Ở vị trí chiến lược thì kinh tế phải gắn với quốc phòng. Nếu kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng thì đó là kinh tế thất bại. Đặc biệt, nếu vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không tính đến những ảnh hưởng về an ninh quốc phòng thì đó là điều rất nguy hiểm."
Theo tướng Thước, nếu tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp phép rồi thì phải dứt khoát hủy bỏ.
Câu trả lời của Bí thư Thừa Thiên Huế là chưa đúng!
Ngay khi vừa đọc được thông tin ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trả lời báo chí về sự việc trên, trao đổi với Đời sống và Pháp luật, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh quân khu I khẳng định: “Câu trả lời của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế rằng đã hỏi ý kiến của Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh là chưa đúng, chưa chuẩn đâu”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh quân khu I. |
Bởi theo quan điểm của mình, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết, với những vị trí đặc biệt quan trọng như đèo Hải Vân, thì nhất thiết phải hỏi ý kiến của Bộ Quốc phòng.
“Thời tôi còn làm Tư lệnh quân khu, ngay chuyện muốn san lấp hoặc lấy đất đi ở các địa điểm quan trọng cũng phải lấy ý kiến Tư lệnh quân khu chứ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh không thể trả lời ngay được vì họ không có chức năng đó. Cứ liên quan đến vị trí chiến lược thì phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng” – tướng Thệ nói.
Nhấn mạnh thêm về vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh đây là 1 vị trí rất quan trọng, là cầu nối chiến lược giữa Nam Thừa Thiên Huế và Bắc Đà Nẵng.
“Đặc biệt trong vị trí này lại nằm ở nơi nhô ra biển, ảnh hưởng nhiều đến cửa biểnĐà Nẵng, cửa biển Thuận An, nên tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xem xét kỹ. Tôi không phản đối mục đích kinh tế, nhưng để doanh nghiệp nước ngoài vào đây là không được. Ngay khi nghe thông tin này tôi đã thấy không ổn rồi. Chúng ta không thể vì kinh tế mà bất chấp những vấn đề sau này.
Khi đặt lợi ích kinh tế và lợi ích quốc phòng ra thì cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Trước mắt, chúng ta có thể lợi một về kinh tế, nhưng sẽ thiệt mười về quốc phòng. Như vậy thì không được, không thể tính thế được”, tướng Thệ góp ý.
Ông chốt lại: Trước khi quyết định việc này, đáng ra tỉnh Thừa Thiên Huế có thể làm công văn hỏi thẳng Bộ Quốc phòng, hoặc thông qua Bộ chỉ huy quân sự, sau đó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng, chứ nếu chỉ tham khảo hỏi ý kiến của 2 đơn vị dưới quyền của Bộ Quốc phòng là không đúng.