Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang chuẩn bị cho những kế hoạch mới, dự kiến thực hiện ngay sau khi Mỹ hoàn thành rút quân khỏi Syria.
Cục diện Syria và khu vực sẽ có nhiều thay đổi sau khi Mỹ rút quân. Ảnh minh hoạ: Sputnik |
Sau khi ông Donald Trump tuyên bố rút khoảng 2.000 lính Mỹ khỏi miền Đông Syria, thế trận cuộc chiến đã có nhiều thay đổi. Đột nhiên, tất cả các bên liên quan đều muốn tính toán, cân nhắc kỹ càng khi năm 2019 đến.
Cuối năm 2018, các nhà lãnh đạo của lực lượng người Kurd – đồng minh của Mỹ đã bay tới Damascus để đàm phán với quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quyết định rút khỏi chiến trường miền Bắc Syria chỉ vài tuần trước đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trao đổi với ông Trump, mong muốn làm chậm tiến trình rút quân, lưu ý rằng đối thủ của Mỹ và Israel - một đồng minh của ông Assad sẽ được hưởng lợi từ động thái này (Iran).
Một nguồn tin của Israel sau đó nói với Axios rằng nước này sẽ "tiếp tục các cuộc không kích chống lại mục tiêu của Iran ở Syria bất kể chính sách của Mỹ thay đổi ra sao. “Chúng tôi khẳng định quan điểm này và đó là một thông điệp cho người Iran rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ”, nguồn tin nhấn mạnh.
Đến ngày 2/1 vừa qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng việc Mỹ rút quân không có nghĩa là chấm dứt chiến dịch tại Syria, lưu ý rằng Washington sẽ tiếp tục bảo vệ người Kurd đang đấu tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trả lời phỏng vấn của Sputnik hôm 3/1, ông Peter Ford - cựu đại sứ Vương quốc Anh tại Syria đã dự đoán tình hình khu vực trong vài tháng tới, và đánh giá rằng liệu Mỹ có thực sự rời khỏi Syria hay không. Ông Ford bác bỏ ý tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ thay đổi suy nghĩ về việc rút quân, khẳng định điều đó chắc chắn "sẽ xảy ra" cho dù phải mất 60 ngày hay 6 tháng. Sau đó, ông giải thích rằng lý do các quan chức Lầu Năm Góc muốn kéo dài thời gian rút quân là vì họ muốn lấy lại vũ khí mà họ đã cung cấp cho lực lượng dân quân người Kurd trong khu vực.
"Thời điểm chính xác không còn quan trọng nữa. Mọi người có thể bắt đầu tính toán ngay bây giờ - họ đã sẵn sàng. Người Kurd đang thảo luận sâu với Damascus và với Moscow về tương lai của họ. Người Thổ Nhĩ Kỳ đang trì hoãn, theo hiểu biết rằng cuối cùng Mỹ sẽ rút, rằng lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ sẽ tự mình rời khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tất nhiên, các lực lượng Mỹ sẽ không “đi quá xa” Syria. Trên thực tế, Mỹ đã và đang xây dựng hai cơ sở mới tại tỉnh Anbar của Iraq, chỉ cách biên giới Syria khoảng gần 100 km.
Bên cạnh đó, ông Ford cũng bác bỏ những gì mà "tất cả các nhà phê bình Washington đang nói", trong đó cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiêu diệt người Kurd ở Syria. "Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không ngốc nghếch. Ngay cả khi tất cả các lực lượng Mỹ đã rút lui họ cũng không làm như vậy vì có thể họ sẽ bị lên án tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt. Theo ông Ford, nhiều khả năng người Kurd đã thảo luận với chính quyền Damascus về việc tự giải tán, tự rời khỏi khu vực gần Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đây chính xác là những gì mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan muốn - thực tế, ông ấy đã nói điều này! Mọi người chỉ không lắng nghe thôi", ông Ford cho hay.
Tuy nhiên, cựu nhà ngoại giao bác bỏ ý tưởng về một quốc gia mới do người Kurd tự trị ở Syria sau chiến tranh, lưu ý rằng cách duy nhất một "đất nước" như vậy có thể ra đời là các lực lượng Mỹ vẫn ở trong khu vực.
Những bình luận của ông Ford khá tương đồng với những ý kiến được đưa ra vào cuối tháng 12/2018 bởi đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi. Ông Masjedi nói: "Chính sách chiến lược của Mỹ là dựa trên việc sự bất ổn và khủng hoảng trong khu vực. Đó là lý do mà Washington tạo ra trở ngại cho các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực". Ông Masjedi sau đó khẳng định các quốc gia trong khu vực có khả năng tự bảo vệ mình mà không cần sự trợ giúp của quân đội nước ngoài.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Sputnik)