Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ca sĩ Quang Hà: Đã có lúc không có nổi 500 đồng lẻ trong túi

(DS&PL) -

Thuở chân ướt chân ráo nơi “đất khách quê người”, Quang Hà chật vật, khó khăn vô cùng. Anh không có sô cũng không có tiền.

Thuở chân ướt chân ráo nơi “đất khách quê người”, Quang Hà chật vật, khó khăn vô cùng. Anh không có sô cũng không có tiền. Nhưng sau tất cả, anh đã vượt qua để gây dựng được thương hiệu Quang Hà như hôm nay.

Được săn đón như một ngôi sao

Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, có bố là chỉ huy dàn nhạc, chị gái chơi piano. Tuy nhiên, khi Quang Hà bắt đầu biết hát thì đoàn nhạc giải thể, bố anh cũng rẽ hướng sang làm kinh doanh. Không còn sự hỗ trợ từ gia đình, bản thân nam ca sĩ phải tự thân xoay xở để vừa đảm bảo việc học, vừa có thể thỏa đam mê ca hát của mình. Thời điểm đó, Quang Hà đang học song song hai trường đại học Văn hóa và Nhạc viện Hà Nội nên gặp rất nhiều khó khăn. Anh tranh thủ đi hát buổi tối, thậm chí có hôm còn trốn học để được đứng hát trên sân khấu.

Quang Hà kể: “Hồi mới tập tành đi hát, cũng chật vật, khó khăn lắm. Còn nhớ, có lần chạy xe xuống Hà Đông để hát, giữa đường bị thủng lốp, lục trong túi chỉ còn vỏn vẹn 5 nghìn, vá xe hết 3 nghìn, còn 2 nghìn mua tạm mít ăn chống đói mà vẫn thòm thèm”.

“Khoảng từ năm 1998 đến năm 2000, các quán sinh viên ở Hà Nội rộ lên rất đông. Tôi cũng tranh thủ chạy sô ở các tụ điểm đó, với mức cát-xê khoảng 30-50 nghìn đồng. Thậm chí, có tối phải hát 20-30 bài và đảm nhận luôn khâu dẫn chương trình, nhưng cát-xê cũng chỉ vỏn vẹn 50 nghìn thôi.

Vất vả chạy sô với khoản thù lao ít ỏi, tôi gắng dành dụm để đóng tiền học và trang trải cuộc sống. Đôi lúc, tôi cũng thấy tủi thân, chạnh lòng. Nhưng, giờ đây ngẫm lại, tôi cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi được sống trong cái “nôi” sinh viên với những hình ảnh đẹp đẽ, được tự lập để nuôi ước mơ của mình. Thậm chí, đôi khi ngân nga lại những bài hát đó, bao kỷ niệm thuở xưa lại ùa về trong ký ức”, Quang Hà nhớ lại.

Trải qua vô vàn khó khăn, Quang Hà đã có được "chỗ đứng" vững chắc trong trái tim người hâm mộ.

Với Quang Hà, ngay từ khi theo đuổi sự nghiệp ca hát, anh đã tạo dựng cho mình cá tính riêng từ gu ăn mặc, phong cách thể hiện đến dòng nhạc. Nam ca sĩ chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, mọi người đều chọn nhạc thính phòng, hát về Hà Nội,... riêng tôi lại chọn ca khúc nhạc trẻ Trả nợ tình xa và bị loại. Nhưng, tôi không hề cảm thấy tiếc nuối, bởi đó là cá tính âm nhạc đã ngấm vào máu rồi”.

“Đến năm 2001, tôi may mắn được đại diện cho Việt Nam góp mặt trong chương truyền hình trực tiếp Sứ giả hữu nghị tại sân vận động Hàng Đẫy. Sau lần đó, tên tuổi được phủ sóng rộng hơn và bắt đầu đi hát ở nhiều chương trình lớn. Thậm chí, Đài truyền hình Hà Nội còn ưu ái dành cho tôi một chương trình riêng về tuổi học trò và được phát sóng rộng rãi. Rất nhiều khán giả biết đến và hâm mộ giọng hát của tôi từ ngày đó”, giọng ca Ngỡ tâm sự.

Có thể nói, thời điểm đó, Quang Hà là một trong những ca sĩ trẻ nổi tiếng nhất ở Hà Nội, được quan tâm và “săn đón” như một ngôi sao ca nhạc. Tất cả những chương trình lớn ở Hà Nội đều có sự góp mặt của Quang Hà. Dù khi ấy chưa có bài hát riêng, nhưng Quang Hà cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hãnh diện khi tìm được “chỗ đứng” trong làng nhạc ở Hà Nội.

Bị tẩy chay, không có “đất diễn”

“Dẫu nổi tiếng rồi, nhưng nhiều người khuyên tôi, muốn đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp thì nên vào Sài Gòn. Trước đó, tôi cũng đã có dịp vào Sài Gòn tham gia diễn trong chương trình Giai điệu tình yêu. Nhưng diễn xong, tôi lại quay ra Hà Nội. Bởi, tôi nghĩ rằng, mình đã gây dựng được tiếng tăm ở Hà Nội, hát một sô cũng được 5-7 triệu đồng, còn nếu vào Sài Gòn hát cũng chỉ được 30-50 nghìn, thậm chí phải đi xin hát”, Quang Hà bày tỏ.

Nhưng sau tất cả, Quang Hà đã từ bỏ những hào nhoáng ở Hà thành để đến với mảnh đất Sài Gòn với quyết tâm lập nghiệp nơi đây. “Thuở mới chân ướt chân ráo nơi “đất khách quê người”, vất vả vô cùng, ở trọ, ăn cơm bụi. Thậm chí, có hôm, bị trộm vào nhà khoắng hết tiền bạc, đồ đạc, máy hát đến độ không còn nổi 5 trăm đồng trong túi. Sài Gòn thời điểm đó có rất nhiều sân khấu ca nhạc lớn, đông đúc. Nhưng, mỗi tụ điểm đều có những ca sĩ tên tuổi riêng nên để “chen chân” vào vị trí đó cực kỳ khó. Thế nên, chật vật và khó khăn vô cùng, không có tiền để trang trải cuộc sống. Khi ấy, tôi đã nản chí và tính quay về Hà Nội làm lại từ đầu.

Giữa lúc khó khăn, anh Quang Cường đã bỏ hết việc ở Hà Nội và quyết định vào làm quản lý, hỗ trợ cho em trai. Hai anh em tôi đã cùng đồng cam cộng khổ vượt qua tất cả”, Quang Hà xúc động kể.

Phía sau thành công của Quang Hà luôn có sự hỗ trợ, ủng hộ của anh trai Quang Cường.

Giữa thời điểm âm nhạc miền Nam đang phát triển rầm rộ, phải là Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tuấn Hưng,... mới gây được chú ý với khán giả Sài thành. Cái tên Quang Hà không được coi là “món ăn lạ”. Thậm chí, ban đầu, giọng ca Ngỡ còn phải nghe những lời lẽ khó nghe, tẩy chay từ những người trong nghề.

“Sau thời gian đầu chật vật, tôi bắt đầu có sô và được mời hát trong các chương trình Giai điệu tình yêu, Nhịp cầu âm nhạc của HTV. Từ đây, tôi được khán giả miền Nam biết đến nhiều hơn. Đi tới đâu, nghe ai gọi tên “Quang Hà, Quang Hà” là vui lắm, hạnh phúc vô cùng.

Có được bao nhiêu tiền đi hát, tôi đầu tư vào làm album Vol Con đường thênh thang. Album này rất hay nhưng tiếc thay lại không được mọi người đón nhận, thành ra thất bại. Dù sản phẩm không được đón nhận nhưng, thật sự, trong thâm tâm tôi không hề tiếc nuối, bởi bản thân đã cố gắng hết sức rồi”, Quang Hà chia sẻ.

Ai chơi với Quang Hà sẽ “nghiện”

Phải đến năm 2005, khi album thứ hai Nếu còn trở lại ra đời, cuộc đời của Quang Hà mới bước sang trang mới. Chính ca khúc Định mệnh trong album đó đã đưa tên tuổi của anh đến với khán giả. Cũng từ đây, nam ca sĩ được mời đi hát ở nhiều nước trên thế giới, cát-xê cao hơn, anh mua được nhà và xe. Nhưng, hạnh phúc nhất đối với nam ca sĩ là tự mình nuôi sống được niềm đam mê nơi “đất khách quê người” để trở thành thương hiệu Quang Hà như hôm nay.

Đặc biệt, không ít người thắc mắc khi thấy Hoài Linh phá lệ giả gái, Siu Black chịu “xuống núi” để xuất hiện trong liveshow kỷ niệm 17 năm ca hát Trăm năm không quên của Quang Hà. Giải đáp điều này, Quang Hà nói: “Cứ ai chơi với Quang Hà sẽ “nghiện”. Khi bắt đầu nổi tiếng và được tham gia các chương trình lớn, tôi đã quen rất nhiều anh chị trong nghề, mọi người giúp đỡ và thương quý tôi rất nhiều. Ngay trong liveshow Trăm năm không quên, chị Phương Thanh, chị Siu Black, anh Hoài Linh đã bỏ hết việc để dành hết thời gian cho Quang Hà, đó thực sự là điều hãnh diện. Bởi, các anh chị đến với Quang Hà không phải vì tiền... mà là vì tình cảm họ dành cho tôi. Thế nên, tôi càng phải sống thật tốt và trân trọng tình cảm mà mọi người dành cho mình”.

Vì Quang Hà, Siu Black chịu "xuống núi", Hoài Linh phá lệ giả gái trong liveshow Trăm năm không quên.

17 năm trôi qua, Quang Hà vẫn cảm thấy sự nghiệp của mình thăng tiến theo thời gian, chứ không hề bị thụt lùi. “Tất nhiên, không phải vì cái tôi cá nhân mà suy nghĩ như vậy, bởi điều này đã được chứng mình qua các sản phẩm âm nhạc ngày càng tốt, liveshow được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều quan trọng, giọng hát của Quang Hà vẫn chạm tới trái tim người hâm mộ theo năm tháng”, Quang Hà tâm sự.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 118

Tin nổi bật